10 phim mình thích nhất năm qua

Dr House

Member
Đến hẹn lại lên, một năm khép lại là đến dịp những người mê phim tổng kết những gì đã qua và háo hức mong chờ các bộ phim năm tới.
Năm 2013 vừa qua là một bữa đại tiệc năm mãn nhãn no nê cho những người yêu điện ảnh nghệ thuật khi có nhiều phim rất xuất sắc hơn hẳn hai ba năm trước...

Mười phim xuất sắc nhất năm 2013 (xếp theo thứ tự ngẫu nhiên)
1. Mud (Jeff Nichols)
2. Inside Llewyn Davis (Ethan Coen, Joel Coen)
3. Her (Spike Jonze)
4. Blue Is the Warmest Color (Abdellatif Kechiche)
5. Before Midnight (Richard Linklater)
6. 12 Years a Slave (Steve McQueen)
7. The Great Beauty/La grande bellezza (Paolo Sorrentino)
8. The Best Offer/La migliore offerta (Giuseppe Tornatore)
9. Gravity (Alfonso Cuaron)
10. Blue Jasmine (Woody Allen)



23vOqvD.jpg



1. Mud (Jeff Nichols)
Thêm một bộ phim xuất sắc nữa của đạo diễn trẻ Jeff Nichols (sinh năm 1978) sau Shotgun Stories (2007) và Take Shelter (2011). Dẫu không gây ấn tượng về mặt kỹ thuật hay tạo cảm xúc cực mạnh như Take Shelter nhưng Mud lại hay theo kiểu khác, nhẹ nhàng, bình dị như một dòng suối mát lạnh cứ thể chảy qua tai, qua mắt ta trong ánh nắng gay gắt mùa hè. Ta cứ thế há miệng hớp tựng ngụm nước ngọt lành, dịu nhẹ mà không biết chán. Dàn diễn viên với diễn xuất tốt đồng đều, đặc biệt là hai chú nhóc Ellis và Neckbone, khung cảnh đồng quê nước Mỹ đẹp mê người như trong tiểu thuyết của Mark Twain, nhạc không đặc biệt xuất sắc nhưng phù hợp với tông của phim, quay phim tuyệt vời như phim của Jeff Nichols thường lệ, lại rất dễ xem dễ thấm với mọi lứa tuổi.

Tuy tên phim là Mud nhưng nhân vật trung tâm không phải Mud mà là Ellis do nam diễn viên đầy tiềm năng Tye Sheridan (14 tuổi) thủ vai. Cùng với người bạn thân Neckbone, Ellis vô tình tìm đến với Mud bí ẩn (McConaughey thủ vai), người sống một mình trên một hòn đảo. Hai cậu bé phát hiện ra Mud đang chạy trốn sau khi phạm tội - Mud quay lại vùng này theo lời hẹn với tình yêu lớn đời anh là Juniper (Witherspoon thủ vai), người anh mơ ước có thể đưa cô cùng vượt biển trốn đến Mexico. Hai đứa trẻ đã giúp Mud sửa lại con tàu bị kẹt trên một cái cây sau trận lụt và phải đối mặt với cuộc rượt đuổi nguy hiểm khi gia đình của gã nạn nhân xã hội đen tìm đến Mud để trả thù...

So với những phim khác trong danh sách này thì Mud là một phim rất đơn sơ và giản dị, phim của Jeff Nichols luôn như vậy - chỉ xoay quanh những vùng thôn quê hoang dã nhưng cũng chính cái bầu không khí tự nhiên và chất phác đầy nên thơ ấy đã chiếm trọn được trái tim của khán giả một cách tài tình và lạ lùng như tác phẩm vĩ đại "Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn" của đại văn hào Mark Twain thuở nào.... Cả bộ phim là những khoảng lặng để cho ta thả hồn vào với sông nước, thiên nhiên. Cốt truyện đơn giản, nhịp độ và tiết tấu chậm rãi, không có nhiều cao trào, kết thúc có hậu khiến người xem cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, thêm yêu chút hương vị của cuộc sống tươi đẹp này... Vì điều gì giản dị, thât giản dị mà khiến ta cảm động, thì tự thân nó đã đẹp.


PdvyOoh.jpg


2. Inside Llewyn Davis (Ethan Coen, Joel Coen)
Một trong những auteur hiếm hoi còn lại của điện ảnh ngày nay, hai ông có một thái độ làm nghệ thuật nghiêm túc và cầu toàn đến khó tính: tự viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất và biên tập các phim của mình. Với một phong cách làm phim đặc trưng trong suốt sự nghiệp vốn vinh danh các dòng phim kinh điển của Mỹ, nhất là film noir nhưng vẫn giữ được cái cảm giác đương đại, chất hài mỉa mai chua cay sâu lắng nên không ngạc nhiên khi họ được tôn vinh là một trong những hiện tượng làm phim giai đoạn cuối thế kỉ 20 và nhận được nhiều sự kính trọng của đồng nghiệp và người yêu điện ảnh cho dù người ta có thích phim của hai ông hay không.

Mặc dù đã từng làm khá nhiều loại phim nhưng đây là lần đầu tiên anh em nhà Coen thử sức với phim âm nhạc. Kịch bản dựa trên cuốn hồi ký "The Mayor Of MacDougal Street" của ca sĩ nhạc Folk nổi tiếng Dave Van Ronk, thời lượng một tiếng 45 phút của "Inside Llewyn Davis" nói về chàng nhạc sĩ nhạc Folk tên Llewyn Davis - một hình mẫu tương tự của Bob Dylan cùng với những yêu, ghét, vật lộn nơi đời thường của người nghệ sĩ với đậm dấu ấn khát vọng tuổi trẻ. Llewyn là một người có tài nhưng chưa gặp thời - đó là giai đoạn đầu thập niên 60 trước khi nhạc Folk ở Mỹ bùng nổ và phát triển mạnh mẽ nhất.

Chẳng bạo lực, chẳng ly kì, chẳng có kỹ xảo hay hiệu ứng đẹp mắt, bộ phim đẹp vì tự thân nó như chính dòng nhạc Folk vậy. Những gì tinh túy nhất của anh em nhà Coen vẫn ở đó: sự hài hước đặc trưng, chất film noir, tông màu phim ảm đạm, mờ ảo như nhìn qua một lớp sương mờ... Hay phải kể đến âm nhạc của T-Bone Burnett, những Hang Me Oh Hang Me, Fare Thee Well, The Death of Queen Jane, 500 Miles tuyệt vời và sâu lắng, bình dị mộc mạc nhưng đầy chất thơ... Ba yếu tố phim, ảnh, nhạc đó kết hợp với nhau hoàn hảo khiến ta có một cảm giác hoài cổ mạnh mẽ... Chưa nói đến những yếu tố khác mà chỉ cần ai yêu thích nhạc folk và anh em nhà Coen thì sẽ hẳn đều đồng ý đây xứng đáng là một trong những phim hay nhất năm qua. Với những người hâm mộ anh em nhà Coen thì "Inside Llewyn Davis" là một tác phẩm tuyệt vời nhất của họ kể từ ngày Fargo (1996) ra đời đến giờ.

Những bộ phim như này cũng giống như các nghệ sĩ nhạc Folk, âm thầm, lặng lẽ và không cần quảng bá lăng xê ầm ĩ trên mặt báo. Nó phù hợp trong các không gian nhỏ dành cho một nhóm khán giả nhỏ, không có sức lan tỏa lớn, thu bộn tiền như những bộ phim bom tấn khác hay khiến nhà nhà lũ lượt kéo đi xem. Nhưng những bộ phim nhấn mạnh giá trị tự tôn của người làm nghệ thuật ấy sẽ giúp người xem có cái nhìn khác đi về những gì gì họ sẽ lựa chọn thưởng thức, bớt đi một chút vội vàng và hời hợt. Khi mà người xem chỉ còn biết xem mà không biết suy nghĩ về những gì mình đang xem thì những sự trở về như "Inside Llewyn Davis" luôn là một tín hiệu thật đáng mừng.


UF8pRIK.jpg


3. Her (Spike Jonze)
Trong một thế giới vô vàn những kết nối vô hình như sóng điện thoại, vệ tinh, mạng internet... công nghệ phát triển như vũ bão không xóa bỏ nổi những lằn ranh không gian, thời gian mà còn đẩy con người ra xa nhau hơn. Chúng ta chăm chú vào màn hình điện thoại, máy tính, máy tính bảng mà lười giao tiếp, bỏ mặc những "người đi cùng". Sự hiện đại tân tiến mang cả thế giới đến tay ta, làm con người cảm thấy an toàn, yên ổn và thỏa mãn. Nhưng rồi một ngày ta chợt bừng tỉnh và nhận ra mình quá cô đơn, thấy một nỗi sợ hãi bản năng nhất của loài người, một sự xa lạ, lạc lõng và đứt kết nối với xã hội hay thậm chí giữa những người gọi là bạn bè, người thân. Để rồi đành tự huyễn hoặc mình: nếu không gắn bó, thân thiết với một con người khác thì mình sẽ không bao giờ bị thất vọng hay tổn thương.

Như hai bộ phim trước đó của đạo diễn Spike Jonze là "Being John Malkovic" và "Where the Wild Things Are", chủ nghĩa hiện sinh cũng được khắc hoạ rõ nét trong "HER". Lấy bối cảnh xã hội trong tương lai không xa nhưng thay vì đi miêu tả một bức tranh lớn toàn cảnh thì "HER" tập trung vào cá thể một con người: luôn cô đơn, lẻ loi, bất an và có xu hướng tự hủy diệt chính mình. Cái chất khoa học viễn tưởng ấy chỉ dạo đầu làm nền, làm phương tiện để Spike Jonze đi sâu vào nội tâm, bản thể của nhân vật chính Theodore (Joaquin Phoenix thủ vai) - một nhà văn cô đơn, sống hướng nội, làm nghề viết thư tình cho những người gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc bản thân. Trầm cảm và chán nản sau khi chia tay người vợ Catherine (Rooney Mara thủ vai) - tình yêu từ thuở ấu thơ, Theodore tìm đến với tình yêu của một hệ điều hành máy tính có trí thông minh nhân tạo và khả năng học hỏi, giao tiếp như con người bình thường.

Một chủ đề không lạ, không mới trong phim của Jonze hay nhiều đạo diễn khác, nhưng "Her" mang đến một cách tiếp cận riêng và độc đáo hơn hẳn. Mối quan hệ tình ái giữa người và máy không những phổ biến và được coi là bình thường trong bối cảnh phim mà Spike Jonze còn dẫn dắt khán giả đến với một câu chuyện tình yêu rất thật với đủ mọi thăng trầm và hỉ, nộ, ái, ố. Hai người giao tiếp thông qua tai nghe không dây và điện thoại thông minh nhưng chỉ sau những giây phút đầu bỡ ngỡ, ngại ngùng hai diễn viên đã hoàn toàn thuyết phục và làm ta quên mất rằng Samantha không có thật, rằng cô là một người bạn đồng hành bằng xương bằng thịt không được lên hình của Theodore mà thôi. Joaquin Phoenix quá xuất sắc trong việc chuyển tải con người nhân vật Theodore bằng một thứ ngôn ngữ cơ thể nhạy cảm đến kỳ diệu – anh chìm đắm trong sô diễn một vai: sự dịu dàng khi viết thư tay cho “những người mình yêu”, sự quan tâm tới Samantha, ánh mắt vô hồn về nơi xa xăm hay giữa hay trạng thái tâm lý đối lập nhau trước và sau khi gặp gỡ Samantha… Còn Scarlett Johansson cho thấy không cần đến cơ thể nóng bỏng của mình, không cần một giây phút lên hình mà cô vẫn đặc tả được một vai diễn phức tạp, trọn vẹn đến thế. Chỉ bằng chất giọng đặc trưng của mình, Scarlett Johannson đã làm khán giả thấu hiểu và cảm thông, đã làm họ cảm nhận thấy được một người phụ nữ thông minh, hấp dẫn tồn tại sau lớp vật chất vô hình. Ấm áp vừa đủ, tính người vừa đủ mà vẫn xa cách và kỳ lạ vừa đủ.

Cả bộ phim tràn ngập những mối quan hệ rời rạc và đứt gãy nhưng không như những bộ phim kiểu này, "Her" không công kích mặt trái của khoa học công nghệ mà khẳng định rằng: nhờ Samantha, Theodore đã thay đổi. Đó chính là điều khiến "Her" trở nên tuyệt vời vì mỗi chúng ta đều thấy bóng dáng của mình trong đó và dạy cho ta biết mở lòng hơn nữa với tình yêu. Vì không gì có thể thay thế được những động chạm da thịt thực sự, cảm nhận được hơi ấm và nhịp tim đập sâu lắng và rõ ràng...


AYFiomk.jpg


4. Blue Is the Warmest Color (Abdellatif Kechiche)
Bộ phim chính kịch lãng mạn dài gần ba tiếng đồng hồ (179 phút) của đạo diễn Abdellatif Kechiche về mối tình đồng tính của hai nữ chính đã nhận được vô số lời khen ngợi của giới phê bình cũng như chẳng ít ý kiến trái chiều về những phân cảnh tình dục nóng bỏng và táo bạo. Adele (Adele Exarchopoulos thủ vai) ở cái tuổi 15 - sắp tốt nghiệp trung học nhưng khác với những bạn cùng lứa, cô không quan tâm đến các mối quan hệ trai gái. Một cơ hội tình cờ khiến Adele gặp gỡ Emma 25 tuổi (Léa Seydoux thủ vai) và tức thì hai người quấn vào nhau như bị tiếng sét ái tình quật ngã.

Hàng năm có vô số phim tình cảm được sản xuất, nhưng ngay khi xem "Blue Is the Warmest Color" ta mới nhận ra đây là một viên ngọc quý, thô ráp mà chứa đựng những xúc cảm thật, không chút giả tạo hay cưỡng ép. Những khó khăn và thử thách của cặp tình nhân trẻ được miêu tả dưới một góc độ và lăng kính chi tiết đến sững sờ. Adele lạc lối trên con đường đi tìm bản thể thật sự của mình. Nếu cả thế giới này là một cỗ máy khổng lồ thì mỗi chúng ta là một bộ phận nhỏ của nó, không ai giống ai vì hàng triệu yếu tố cấu thành nên con người giúp phân biệt mỗi chúng ta với nhau. Nhưng chắc tất cả đều có chung một câu hỏi: mình là ai, mình muốn làm gì trong đời, mình muốn trở thành ai, phải sống như nào và sống để làm gì. Ta sinh ra, lớn lên chịu ảnh hưởng bởi những giáo điều, luật lệ của gia đình, xã hội rồi hấp thu và biến nó thành của mình. Nhưng liệu thật sự đó có phải là con người thật của chúng ta hay không, và nếu không, liệu bạn có đủ can đảm để tiến bước và thay đổi mọi chuyện...

"Blue Is the Warmest Color" gây sóng gió do các tranh cãi về tình dục nhưng bộ phim không xoay quanh ở đó. Đó không phải thứ tình dục câu khách rẻ tiền. Tình dục bất tận và đam mê, nồng cháy của tuổi trẻ chỉ là một thái cực của những giấc mơ, hiện thực, thách thức, đau khổ, hạnh phúc, hy vọng... Như Woody Allen đã nói trong Annie Hall: "Người ta dùng khoái cảm tình dục để che lấp những khoảng trống trong đời mình."

Đây là một minh chứng rõ rệt của điện ảnh thuần túy: ta không cần tiền, kỹ xảo hay những gì hoành tráng nhất để chạm đến đáy lòng cảm xúc của người xem. Ta chỉ cần bản năng, bản năng của đạo diễn, bản năng của hai nữ diễn viên Adele và Léa cộng thêm sự lao động chân chính: dám thách thức, dám khắt khe với chính mình và mọi người để đẩy mọi thứ lên đến tận cùng giới hạn của thể xác và tinh thần.


YBWmvSi.jpg


5. Before Midnight (Richard Linklater)
Richard Linklater là một đạo diễn có phong cách áp dụng thời gian thực vào việc quay phim rất đặc biệt, trong phim tài liệu thì đây là một phương pháp hoàn toàn bình thường thậm chí là bắt buộc nhưng với điện ảnh thì từ trước đến giờ chỉ có vài đạo diễn có đủ sự kiên nhẫn và tận tụy để sử dụng nó phục vụ cho mục đích của mình như: Stanley Kubrick, Filippos Koutsaftis hay Lars von Trier... Hay như bộ phim sắp ra mắt năm nay "Untitled 12-Year Project" của chính Linklater cũng được quay trong vòng 12 năm (bắt đầu từ năm 2002).

"Before Midnight" là phần cuối trong bộ ba "Before...". Các sự kiện trong ba phim diễn ra lần lượt cách nhau chín năm và dụng ý từ ngay lúc đầu của đạo diễn Richard Linklater là quay ba phim cũng cách nhau để chín năm để tạo ra hiệu ứng gần gũi và sát thật nhất. Vì đơn giản không chỉ là các diễn viên già đi thật không cần hóa trang mà còn là sự trưởng thành và già cỗi thật sự trong tâm hồn. Nếu như "Before Sunrise" ngọt ngào, lãng mạn, ngẫu hứng cùng những nụ hôn nồng nàn của tuổi trẻ; "Before Sunset" trưởng thành, sâu sắc, ý nhị thì "Before Midnight" đưa ta đến với thực tế đầy thử thách. Lúc này Jesse (Ethan Hawke thủ vai) và Celine (Julie Delpy thủ vai) đã là vợ chồng và có với nhau hai cô con gái sinh đôi xinh xắn.
Cả ba phần phim tràn ngập đối thoại và tranh luận, nhưng bất kỳ những ai đã yêu thì sẽ đều tự hỏi liệu sau một thời gian ở bên cạnh nhau lâu đến vậy thì chúng ta có còn có chuyện để nói với nhau nhiều như những ngày đầu hay không. Ta sợ rằng tình yêu đã mất đi sự lãng mạn vốn có mà chuyển sang một thứ ràng buộc vô hình khác, với bao nghĩa vụ trách nhiệm. Nhưng cái kết của Before Midnight phần nào giúp khán giả có thêm hy vọng khi nhận ra tình yêu vẫn còn đó, nó vẫn đẹp nhưng theo một hướng khác.

Sự độc đáo và nguyên bản của đạo diễn Richard Linklater, diễn xuất xuất sắc và thấu hiểu nhau như một đôi tình nhân của Ethan Hawke và Julie Delpy kết hợp với lời thoại thông minh, sâu sắc, hài hước, tinh tế cộng thêm sự trưởng thành và già dặn sau chín năm, cách kể chuyện quay như không quay, kể như không kể khiến "Before Midnight" đi sâu vào tiềm thức khán giả một cách nhẹ nhàng và rất thật đến lạ.



bBi9FhG.jpg


6. 12 Years a Slave (Steve McQueen)
Trong hai ba năm gần đây có rất nhiều phim nói về người da màu và chủ nghĩa nô lệ như: The First Grader (2010), The Help (2011), Django Unchained (2012), The Butler (2013), 42 (2013), Mandela: Long Walk to Freedom (2013)... nhưng không bộ phim nào trong số trên lột tả được những gì người da màu đã phải trải qua một cách sát thực, tàn khốc và bạo lực như "12 Years a Slave" của đạo diễn Steve McQueen.

Phim dựa trên một câu chuyện có thật về Solomon Northup - một người đàn ông da màu tự do ở New York bị bắt cóc và bán xuống miền Nam làm nô lệ. Nếu bạn đã xem các phim khác của đạo diễn Steve McQueen như Hunger hay Shame thì sẽ biết được "12 Years a Slave" sẽ diễn ra như thế nào: tối tăm và thô ráp như một viên ngọc quý chưa được mài giũa, giàu hình ảnh và tương phản, bộ phim phơi bày và lột trần mọi thứ dưới ánh sáng, không vòng vo, không giảm nhẹ hay tránh né. Nó đánh vào cảm giác rất mạnh khiến cho phần lớn khán giả thấy rất sốc, rất khó xem nhưng cũng chính phong cách ấy đã giúp mang lại những phân cảnh phim tuyệt đẹp, giàu cảm xúc hay sự căng thẳng xuyên suốt 134 phút phim. Đặc biệt là diễn xuất tuyệt vời của Chiwetel Ejiofor, ngôi sao và là linh hồn của "12 Years a Slave" hay cả những vai phụ như Lupita Nyong'o, Miachel Fassbender, Benedict Cumberbatch, Paul Giamatti...

Mỹ là quốc gia có nền văn hóa đa sắc tộc có nhiều chính sách thu hút người tài từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến với miền đất hứa, hy vọng sẽ tìm được giấc mơ Mỹ của mình. Tuy nhiên ẩn khuất sau bức màn nhung ấy vẫn còn đâu đấy tồn tại sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc mà nặng nề nhất là với người da màu. Cuộc sống của người da đen trên đất Mỹ đã từng là địa ngục. Họ tham gia mọi thăng trầm, là nhân chứng của nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Mỹ, lực lượng lao động chính của xã hội, tham gia đấu tranh giành độc lập và chiến tranh chống phát-xít. Vậy mà tình cảnh sống vô cùng cực khổ: làm giàu cho nước Mỹ nhưng thậm chí không được coi là một con người, bị áp bức và khủng bố. Chủ nghĩa nô lệ là một quá khứ hãi hùng và đáng sợ nhưng nhờ những tác phẩm nghệ thuật như "12 Years a Slave" mà chúng ta có thể nhìn về quá khứ và rút ra những bài học về con người, nhân loại, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.


JbP5eDl.jpg


7. The Great Beauty/La grande bellezza (Paolo Sorrentino)
Đôi khi một con người thành đạt, có tất cả mọi thứ trong tay chẳng thiếu một thứ gì khi nhìn lại cuộc đời mình chợt nhận ra:
“Điều quan trọng nhất tôi phát hiện ra ở tuổi 65 là tôi không thể lãng phí thời gian làm những việc tôi không muốn làm.”

"The Great Beauty" của đạo diễn Paolo Sorrentino kể về Jep Gambardella (Toni Servillo thủ vai) - một nhà văn, nhà báo nổi tiếng người Ý với phong cách và lối viết cuốn hút, mê hoặc về cuộc sống xa hoa thượng lưu của con người, xã hội nước Ý những thế kỷ trước. Ông có thừa mọi thứ mình cần từ tiền bạc, danh tiếng đến địa vị nhưng đến một ngày ông nhận ra những gì mình làm là vô nghĩa, thời gian chạy như bay và những kí ức kỉ niệm sẽ cứ dần dần tuột khỏi tầm tay tay. Mơ hồ như nhìn qua làn sương khói mù mịt buổi sớm mai – chỉ còn từng mảnh rời rạc hỗn độn. Jep quyết định sẽ hưởng thụ những điều trước đây mà ông đã bỏ qua, làm những việc mà ông chưa từng làm trước đây. Đời người chỉ có một nên ta phải tận hưởng thế giới một cách trọn vẹn nhất. Để đến khi đến ga cuối cùng nhìn lại thì ta thấy rằng: không phải mình đạt được gì mới quan trọng, quan trọng là mình đã trải qua và sống như thế nào.

Bộ phim đặc tả một Rome hối hả, nhộn nhịp và phong cảnh đẹp trữ tình đến nao nức lòng người của nước Ý nhưng vẻ đẹp và tình yêu cuộc sống mới là vẻ đẹp thật sự mà "The Great Beauty" muốn nói đến. Như Frederick Langbridge trong "A Cluster of Quiet Thoughts" đã viết:
“Hai người đàn ông cùng nhìn từ một phía: một người thấy bùn lầy, người kia thấy các vì sao.”
Cuộc sống của bạn có ý nghĩa hay không là do bạn quyết định. Hãy đón nhận cảm hứng và truyền cảm hứng.

Điện ảnh Ý trong thời gian qua đã khởi sắc trở lại, tất nhiên là ở một mức độ khác với những bậc thầy thưở nào như Roberto Rossellini, Luchino Visconti, Federico Fellini, Michelangelo Antonioni, Bernardo Bertolucci... nhưng những tác phẩm gần đây cũng đã rất đáng mừng. "The Great Beauty" thắng lớn bốn hạng mục quan trọng ở Liên hoan phim châu Âu và có nhiều cơ hội thắng giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất âu cũng là phần nào ghi nhận cho những nỗ lực phục hưng điện ảnh không biết mệt mỏi của các nghệ sĩ Ý.



GaPVUGt.jpg


8. The Best Offer/La migliore offerta (Giuseppe Tornatore)
Bộ phim kể về mối quan hệ giữa Virgil Oldman: một nhà sưu tập và bán đấu giá nghệ thuật và một cô gái tên Claire.
Niềm đam mê nghệ thuật đã khiến Oldman quên lấy vợ, hầu như ông dâng hiến cả cuộc đời cho việc nghiên cứu và sưu tầm nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá, nó biến ông trở thành một con người khá lạnh lùng và lập dị. Còn Claire là một cô gái nhút nhát, sợ tiếp xúc ở nơi đông người, cô đã không rời khỏi ngôi nhà Oldman đang trưng bày những tác phẩm cho cuộc bán đấu giá sắp đến hơn 20 năm qua.
Từ khi gặp Claire, Oldman hầu như quên hết công việc đang làm và thú nhận tình yêu của mình với Claire.
Một ngày trên đường trở về nhà Oldman bị đánh cướp, được Claire chăm sóc chu đáo, trái tim biết yêu ở tuổi xế chiều càng thêm nở hoa, cho đến một buổi sáng khi ông mở cửa phòng trưng bày thì tất cả các bộ sưu tập cá nhân của mình và Claire đã cùng biến mất...

Đạo diễn Giuseppe Tornatore lại một lần nữa mang lại cho khán giả một cảm giác ngoạn mục và ấn tượng từ những phút đầu cho đến những giây cuối, một tác phẩm mẫu mực và hoàn hảo về nhiều mặt: cốt truyện, diễn xuất, quay phim, chỉ đạo và thiết kế nghệ thuật... Âm nhạc của Ennio Morricone đơn giản, cổ điển nhưng không kém phần trang nhã - điều chúng ta không thấy lạ vì âm nhạc luôn là một phần quan trọng trong phim của Tornatore. Ông luôn hoàn thành nó song song với tiến độ quay phim, thậm chí dùng nó như là một công cụ dẫn đường quan trọng cho cốt truyện chứ không phải lồng ghép vào giai đoạn hậu kỳ. The Best Offer là một bộ phim có chủ đề về nghệ thuật nhưng tự thân nó đã là một tác phẩm nghệ thuật với cảm xúc ngập tràn như mọi tác phẩm xuất sắc khác của ông như Cinema Paradiso, A Pure Formality hay The Legend of 1900...


GmofbsE.jpg


9. Gravity (Alfonso Cuaron)
2013 đánh dấu sự phục hưng thật sự của thể loại phim đấu tranh sinh tồn (Survival) khi có nhiều cái tên cực kỳ đáng giá và nổi bật về yếu tố nghệ thuật như Captain Phillip, 12 Years a Slave, Lone Survivor, All ist Lost hay đặc biệt nhất phải kể đến Gravity: trong lúc thực hiện nhiệm vụ sửa chữa kính thiên văn, hai phi hành gia Ryan (Sandra Bullock) và Matt (George Clooney) bị hất tung khỏi tàu con thoi, bị cô lập giữa vùng không trọng lực do ảnh hưởng của những mảnh vỡ từ một vệ tinh.

Năm bộ phim là năm vẻ đẹp hoàn toàn khác nhau với chung một khát khao là vinh danh chiến thắng của con người trước nguy hiểm, nỗ lực sống sót cho đến những giây phút cuối cùng trước cận kề cái chết, cho dù đó là sự hoang dại của thiên nhiên trong khoảng không bao la, đại dương hung tàn hay chính vì sự tàn bạo và độc ác của loài người... Alfonso Cuaron với tham vọng tiếp nối những tinh túy của Solaris (1972, đạo diễn Andrei Tarkovsky) hay 2001: A Space Odyssey (1968, đạo diễn Stanley Kubrick) - những bộ phim khoa học viễn tưởng có cách tiếp cận khán giả vô cùng hiện thực và mang nhiều màu sắc triết lý, tâm linh. Chính điều đó làm nên sự khác biệt cho Gravity chứ không phải nhờ độ hoành tráng, kỹ xảo hay sự mãn nhãn về mặt thị giác.
Nói một cách chính xác hơn: đạo diễn Alfonso Cuaron đã kết hợp một cách hoàn hảo ba yếu tố nghệ thuật, thử nghiệm và giải trí để mang lại một sự cân bằng hiếm thấy trong thời đại phim ảnh hiện nay.

“Ở độ cao 600km, nhiệt độ dao động từ âm 100 độ C đến dương 125 độ. Không có không khí để lan truyền âm thanh. Không có áp suất. Không có oxy. Sự sống trong vũ trụ là điều bất khả thi.”
Sau đó màn hình phụt tắt và chuyển sang một cảnh long take kéo dài 17 phút! Lấy cảm hứng từ Solaris, 2001: A Space Odyssey và được hoàn thiện từ các bộ phim trước đó của Cuaron như Great Expectations, Y tu mama tambien hay Children of Men, Gravity tràn ngập các cảnh long take, cả bộ phim chỉ gồm 156 cảnh quay (trung bình một phim là hơn 1500) qua đó mang lại cảm giác liền mạch và giống phim tài liệu quay trên vũ trụ. Máy quay chuyển đổi mượt mà giữa góc rộng, cận cảnh và cả góc nhìn người thứ nhất khiến ta có cảm giác như đang bay lơ lửng giữa vùng không gian không trọng lực cùng với hai nhân vật chính. Một hành trình thị giác, cảm giác đầy choáng ngợp và đẹp đẽ.


BOCHDGg.jpg


10. Blue Jasmine (Woody Allen)
Method Acting: nghệ thuật diễn xuất là một trường phái diễn xuất theo hệ Stanislavski của Nga, đề cao tính chân thật và sự hóa thân trong diễn xuất, và xuất sắc đến mức khán giả có cảm tưởng họ không diễn mà đóng vai chính mình. Các diễn viên theo trường phái này nhiều khi được tin tưởng tự do diễn xuất không cần đạo diễn chỉ đạo hoặc họ tự tạo ra bối cảnh đời thực giống trong phim để chìm đắm trong cảm xúc nhân vật. Các nam diễn viên thì ta có Joaquin Phoenix, Daniel Day-Lewis, Christian Bale... còn nữ thì càng khó hơn gấp bội vì ở Hollywood, số đầu phim xoay quanh và tạo đất diễn cho nữ chính ít hơn các đồng nghiệp nam nhiều. Thế nên đó càng là điều đáng quý với những gì Cate Blanchett làm được trong "Blue Jasmine", nhiều mỹ từ đã được dành cho Cate và nếu cô có thể thắng Oscar năm nay với vai Jasmine thì đây là một điều tuyệt vời với những người hâm mộ Woody Allen: sau tận 34 năm mới có một nữ chính trong phim của ông thắng Oscar (lần gần đây nhất là phim Annie Hall năm 1979).

Bộ phim thứ 45 của Woody Allen xoay quanh Jasmine French (Cate Blanchett thủ vai) - người từng có một cuộc sống thượng lưu xa hoa ở New York nhưng rồi cuộc sống đổ vỡ, mọi thứ tiền tài vật chất như bong bóng vụt bay. Không còn con đường nào khác, cô đành quay về với cô em gái Ginger, người như nước với lửa khi so sánh với Jasmine ở San Francisco. Ở độ tuổi 78 Woody Allen vẫn chưa mất đi giác quan điện ảnh nhạy bén của mình, ông vẫn thể hiện được cái chất auteur càng già càng cay, ở tài năng viết kịch bản và đạo diễn. Vai diễn Jasmine rất khó và bao phủ cả bộ phim, nhưng cũng đủ rộng và phức tạp để một diễn viên tài năng như Cate thỏa sức vẫy vùng. Một bản song tấu mẫu mực có trầm có bổng giữa Woody Allen và Cate Blanchett. Sau một loạt các bộ phim không được đánh giá cao thì sự trở lại đầy sức sống này khiến khán giả có thêm hy vọng, rằng "Magic in the Moonlight" ra mắt năm nay sẽ lại là một tuyệt phẩm khác nữa.

Nguồn mình viết trên blog: http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2014/01/07/best-of-2013/
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

thich_xem_phim

Active Member
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

Bất hạnh thay cho thế giới có nhiều phim hay.
 
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

ngoài trừ cái Mud đúng nghĩa là bùn ko ngửi dc ra thì 9 phim còn lại hoàn toàn xứng đáng dc gọi là xuất sắc của 2013.
 

thich_xem_phim

Active Member
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

Ý tui là phim hay kịch bản đa phần dựa trên những bi kịch của thế giới loài người như 12 Years a Slave, Her hay The Great Beauty. Như vậy thế giới có nhiều phim hay nghĩa là thế giới đó đã từng trải qua rất nhiều bi kịch thì chẳng phải là bất hạnh sao.
 

Uchiha_Madara

Nghỉ hưu
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

thật buồn là top 10 phim này mình chỉ mới xem có Gravity, thôi để kiếm mấy phim có bluray rồi nghiên cứu thôi
 

henryduc96

SuperHD Internal HDBits
Re: Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

chán thật trong top 10 mình chỉ mới xem có gravity thui nên chắc phải kiếm 9 phim kia xem mới dc :)
 

daicameoden

New Member
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

cũng như nhiều người khác, mới chỉ xem có Gravity. có ý định xem Before Midnight nhưng mãi chưa xem
 

culacvang

Well-Known Member
mới chỉ xem gravity..nhưng ko hợp với thể loại này nên xóa luôn rồi..:)
 

mrtran1201

Active Member
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

Chưa hề biết đến phần lớn các cái tên trên này nên chắc ko xem hết được.
 

Dr House

Member
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

Nên xem thêm phim thứ 11 là Dallas Buyers Club :)
 
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

chà, nhiều bác mê phim kiểu hàn lâm ghê nhỉ, mình xem cả loạt danh sách mà chưa xem phim nào. Kể cả danh sách 15 Films To Look Forward To In 2014 của chủ thớt cũng... @@ khác hẳn những danh sách mà nhiều page đưa, nói chung mình nghĩ đây cũng là 1 kênh và 1 bài khá hay, dù nhiều phim còn lạ tai quá. Trong list này sẽ chiến Her, Mud, Blue Jasmine và Dallas Buyers Club (off the list) :) thanks chủ thớt
 
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

Dài quá mình ngại đọc. Có lẽ tác giả nên tóm tắt ở mỗi phim là thể loại gì, nói về việc gì, thế thì dễ để người đọc quan tâm phim gì hơn. :D
 

Angus_Bert

Film critic
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

Phần lớn phim trong này thuộc thể loại hàn lâm, đòi hỏi rất nhiều trải nghiệm thì coi mới thấm được. Cơ mà nói thật mới coi được 3/10 đống này thôi, và biết tên cũng chỉ được 5/10 :">
 

rhym

New Member
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

Mấy phim này tâm trạng tốt coi mới dc chứ buồn ngủ mà coi vô chắc ngủ gục hồi nào ko hay.
 

Dr House

Member
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

chà, nhiều bác mê phim kiểu hàn lâm ghê nhỉ, mình xem cả loạt danh sách mà chưa xem phim nào. Kể cả danh sách 15 Films To Look Forward To In 2014 của chủ thớt cũng... @@ khác hẳn những danh sách mà nhiều page đưa, nói chung mình nghĩ đây cũng là 1 kênh và 1 bài khá hay, dù nhiều phim còn lạ tai quá. Trong list này sẽ chiến Her, Mud, Blue Jasmine và Dallas Buyers Club (off the list) :) thanks chủ thớt
Nếu chịu khó đọc báo nước ngoài thì lạ gì mấy phim này, những phim gọi là lạ thì còn lạ nữa :))

Dài quá mình ngại đọc. Có lẽ tác giả nên tóm tắt ở mỗi phim là thể loại gì, nói về việc gì, thế thì dễ để người đọc quan tâm phim gì hơn. :D

Thế thôi chắc bác khỏi xem phim luôn, lười gì mà lười thế.
 

soildsnake

Active Member
Ðề: 10 phim mình thích nhất năm qua

thật buồn là top 10 phim này mình chỉ mới xem có Gravity, thôi để kiếm mấy phim có bluray rồi nghiên cứu thôi

hehe anh giống em... khoái cái phim ông iu cô người máy mà kiếm mãi chả thấy
 

king_of_mar1311

Active Member
Hic có lẽ sở thích của bác không giống mình rồi, phim bac nêu toàn "kinh điển" không hà, gravity ngoài nghệ thuật quay tạo cảm giác 3d đẹp mắt mình thấy không "thấm" được gì. Hi, có lẽ mình chỉ hợp với mấy bộ phim tầm thường xem cho đã mắt, cười nhe răng rồi đắp mềnh đi ngủ nhỉ. :D
 
Bên trên