'Cánh đồng bất tận' đề cao giá trị sống con người

Gambit

New Member
tác giả bài viết: Nguyễn Thu Thủy

"Cánh đồng bất tận" là một hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng và gợi hình to lớn. Không gian hun hút và nơi đó lầm lũi những kiếp người vô tình với chính đồng loại mình.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư giờ đã trở thành cái tên quá quen thuộc với độc giả cả nước. Các đầu sách của chị ngày càng có sức cuốn hút riêng với độc giả trẻ. Không chỉ vì họ tìm thấy ở đó sự tương đồng trong cách nhìn nhận thế giới của những người “trí thức trẻ” mà các tác phẩm của chị còn mang chiều sâu triết lý, triết học nhân sinh không mấy nhà văn trẻ mới vào nghề có được. Chính vì yêu mến chị Tư và muốn cảm nhận tác phẩm của chị theo một chiều kích mới, tôi xin mạo muội “ xoá hết khỏi tâm trí” những nhận xét, phê bình, khen, chê của những người đi trước mà xin cảm nhận tác phẩm của chị dưới góc độ một người trẻ tuổi “băn khoăn tìm kiếm lẽ yêu đời”.

Đã đọc Cánh đồng bất tận rất nhều lần nhưng lần nào, tác phẩm cũng là một khám phá mới, một trải nghiệm bất ngờ với tôi. Cánh đồng bất tận hay Nguyễn Ngọc Tư như chất men say càng uống càng say và càng say càng muốn uống.

cdbt.jpg


Nếu bạn mong chờ một sự giải trí đơn thuần hay những phút giây gạt bỏ những vướng bận cuộc sống hàng ngày thì xin đừng đọc Nguyễn Ngọc Tư. Vì không cứ chỉ Cánh đồng bất tận mà ngay cả những tạp văn, bút ký hay truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đều khó đọc. Bởi hiểu một nghĩa chưa đúng, chưa đủ, đằng sau cái đó còn là những tầng nghĩa khác. Cánh đồng bất tận hay và hấp dẫn vì ngay từ đầu nó đã bắt ta phải căng óc, hình dung, tưởng tượng và tự mình xây dựng cho mình sân khấu các nhân vật trong tác phẩm. Trên sân khấu ấy sự đau khổ tột cùng không phải là nội dung chuyển tải chủ yếu mà sự lạc lõng, bơ vơ giữa bầy đàn và giá trị sống mưu sinh của con người mới là ám ảnh đối với người đọc.

Hai đứa trẻ lạc lõng chính trong gia đình - chúng chỉ như những cái bóng lập loè, dường như không dùng "tiếng người" để giao tiếp. Rồi ông bố - sống lầm lũi và hoang dại với những thù hằn. Ngay cả đến những người đàn bà đĩ điếm hay khao khát sự đụng chạm thể xác với người đàn ông hoang dại cũng trôi nổi vô định như những kiếp bèo bọt. Câu chuyện theo lời kể của nhân vật "tôi" nhưng dường như từ đầu cho đến cuối, bất kể là lời tự sự hay những đoạn đối thoại đều vang lên những tiếng kêu gào nhức buốt của những kiếp người. Họ đòi quyền sống, đòi quyền làm người và đòi cả một sự giảng giải cụ thể mang ý niệm triết học: Sống để làm gì?

Cánh đồng bất tận là một hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng và gợi hình to lớn. Không gian hun hút và nơi đó lầm lũi những kiếp người vô tình với chính đồng loại mình. Thế giới đó con người thật xa lạ, thật cách xa. Họ nhìn nhau bằng những dấu hỏi và việc hiểu biết đồng loại trở nên quá xa vời. Con cái không hiểu những gì bố mẹ chúng làm, những người phụ nữ không thể hiểu sức mạnh của sự cuốn hút từ người đàn ông của đồng ruộng. Và đến ngay cả hai đứa trẻ cũng lạ lẫm trong cách hành xử của nhau. Trong truyện có một câu rất quen thuộc “tưởng sống khó chứ chết đi thì dễ ợt” đó phải chăng là nội dung chủ đạo mà tác phẩm hướng tới.

Quyền sống và hạnh phúc của con người đã được nói đến nhiều. Nhưng ở Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư muốn cảnh báo con người về ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Không gào thét, không ồn ào nhưng nếu đọc tác phẩm mà bên trong bạn không quặn thắt những đợt sóng về nỗi niềm băn khoăn về kiếp sống làm người xin bạn hãy đọc lại tác phẩm với một cái đầu tỉnh táo và nhân văn.


nguồn:
http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/phe-binh/2010/04/3B9AE9E4/
 
Bên trên