Facebook hiểu rằng họ không phải là tương lai của Internet

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Liệu có quá muộn để Facebook xây dựng một nền tảng mạng xã hội mới phù hợp hơn với những xu thế của tương lai?
Thông qua năm đoạn trong bài blog với độ dài "hiếm gặp" được CEO Facebook, Mark Zuckerberg đăng tải vào chiều hôm qua, vị tỷ phú trẻ tuổi đã có một hành động kì lạ, dường như đang chĩa những lời chỉ trích vào chính công ty Internet do anh đang vận hành, khi thừa nhận rằng: "Thẳng thắn mà nói, chúng tôi không có danh tiếng tốt trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ có khả năng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng."

1915135.jpg


Theo The Verge, câu này được trích từ bài viết dài 3500 từ của Zuckerberg, trong đó anh đề cập đến nhiều chủ đề từ quyền riêng tư, dịch vụ nhắn tin của hãng cho đến tương lai của Facebook. Vấn đề thực ra không chỉ nằm ở chỗ Facebook có một tiếng tăm khá tồi trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Điều chúng ta đều quan tâm đó là liệu các lãnh đạo của công ty có thể đưa Facebook ra khỏi vũng lầy của nhiều năm đánh mất niềm tin và huỷ hoại đời tư của nhiều người dùng hay không.

Thông qua bài viết này, Zuckerberg đang cố gắng tái định nghĩa lại Facebook. Mạng xã hội Facebook mà anh đã xây dựng trong suốt 15 năm qua chủ yếu được cấu trúc dựa trên nền tảng của một mô hình chia sẻ dữ liệu và quyền riêng tư mà chúng ta đều nhận thấy là có nhiều vấn đề và gây ra những nguy cơ nhất định. Người dùng hiện nay đang đòi hỏi nhiều hơn ở quyền riêng tư, và Facebook của ngày hôm nay, như Zuckerberg có vẻ như đã thừa nhận, không thể đem lại điều đó.

Hãy cùng bắt đầu với một sự thật hiển nhiên: Facebook giờ đây không còn quá phổ biến như ngày trước nữa. Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Axios Harris cho thấy danh tiếng của công ty đã có sự suy giảm nghiêm trọng trong năm qua, đẩy công ty này suýt trượt khỏi top 100 những thương hiệu được nhận diện nhiều nhất ở Hoa Kỳ. Sau nhiều năm vướng vào những scandal triền miên và đặc biệt là một năm 2018 đầy sóng gió, hai tiếng Facebook giờ đây đồng nghĩa với những vụ rò rỉ dữ liệu, tin giả, các thông tin tuyên truyền mang tính định hướng, sự thiếu tôn trọng đối với quyền riêng tư của người dùng, các động thái đáng sợ nhằm theo dõi người dùng để phục vụ cho mục đích quảng cáo, và tựu trung lại, nhiều người đã cho rằng Facebook không phải là một nơi thoải mái để họ có thể "tụ tập" bạn bè trực tuyến.

Tăng trưởng chung của Facebook có vẻ như đã chững lại ở Hoa Kỳ, và một báo cáo mới được công bố hôm qua (7/3) cho thấy mạng xã hội này đang mất đi hàng triệu người dùng. Điều đáng nói là những người dùng này lại tập trung ở nhóm tuổi tương đối trẻ, từ 12 đến 34 tuổi. Trong khi đó, mô hình đăng-rồi-xoá của Snapchat rõ ràng đang thắng thế, ngay cả khi chính công ty non trẻ này cũng đang vật lộn để tồn tại. Facebook không hẳn là đã thất bại trong việc sao chép mô hình này (Facebook đã sao chép tính năng Stories (các bài đăng biến mất sau 24 giờ) trên gần như tất cả mọi nền tảng mà công ty sở hữu), song đây có vẻ vẫn chỉ là một vài điểm sáng nhỏ nhoi trong bức tranh tổng thể tối tăm.

Việc viết một bài blog, dù dài dòng hay tâm huyết đến đâu, cũng chẳng thể thay đổi được điều này chỉ trong một sớm một chiều. Với đa số người, những chia sẻ của Zuckerberg giống như một tuyên ngôn về ý định – tức là một tín hiệu gửi tới những người dùng, các cơ quan chính phủ, các nhà báo, và cả chính các nhân viên của công ty về định hướng của Facebook trong tương lai. Anh ta có vẻ muốn chúng ta không nghĩ về Facebook giống như là những danh sách bạn bè, những nút Likes, bảng tin (News Feed), mà hãy nghĩ về những dịch vụ nhắn tin tương tác khá được ưa chuộng như WhatsApp, Instagram, và Messenger.

Để hiện thực hoá điều này, Zuckerberg cho biết Facebook sẽ tăng cường tập trung vào phát triển các dịch vụ nhắn tin theo nhóm nhỏ, có mã hoá, và các hình thức truyền thông ngắn hạn (dạng đăng-rồi-xoá). Anh mô tả nền tảng mà Facebook đang hướng tới sẽ tạo ra cảm giác cá nhân hoá, thân mật, tôn trọng quyền riêng tư, và sẽ không bao giờ vướng vào những câu chuyện về lạm dụng quyền con người. Một nền tảng "nơi mà tất cả mọi người đều có thể tự tin rằng những điều họ nói với người khác sẽ được bảo mật an toàn, và rằng những tin nhắn cũng như nội dung họ trao đổi với nhau sẽ không tồn tại mãi mãi [ở bên phía Facebook]," Zuckerberg cho biết. "Đây là tương lai mà tôi hy vọng công ty sẽ có thể mang tới cho các bạn."

Zuckerberg viết ra những lời này cứ như thế anh đang sắp xây dựng lại một Facebook hoàn toàn mới vậy. Anh mô tả cái tương lai trong tưởng tượng này giống như là "một nền tảng tập trung vào quyền riêng tư" duy nhất, thay cho mô hình của một loạt các ứng dụng và dịch vụ tách biệt. Trong bài viết của Zuckerberg, nền tảng Facebook hiện tại hiện lên như một ví dụ tồi tệ - "nhiều người... vẫn còn bị lưu giữ những bức ảnh hồi nhỏ có thể khiến họ cảm thấy xấu hổ" - hoặc khi anh mô tả cách mà hệ thống mới sẽ được tích hợp với những ứng dụng có thiết kế tốt hơn như thế nào.

Có một điều chưa được làm rõ trong bài viết của Mark, đó là tương lai của Bảng Tin (News Feed) - cốt lõi của những thành công cũng như những khủng hoảng mà Facebook đã phải trải qua - giống như một sản phẩm của quá khứ trong mô hình mới của Facebook. Từ bao lâu nay, Bảng Tin là một nhân tố quan trọng trong hệ thống của mạng xã hội này: đó là nơi người dùng cập nhật các thông tin mới từ bạn bè, và cũng là nơi sản sinh đa số doanh thu quảng cáo của hãng. Tuy nhiên nó cũng phải chịu trách nhiệm đối với rất nhiều vấn đề của Facebook. Đó là nơi các tin tức sai lệch được lan truyền, nơi những cuộc tranh luận gay gắt giữa những người bạn cũ nảy nở, và là nơi mà các nhà xuất bản lớn nhỏ cạnh tranh nhau để giành phần thắng trong cuộc chơi. Bảng Tin là lý do mà, mặc dù chỉ có khoảng 1,8 triệu người theo dõi một trang Facebook tuyên truyền của Nga, nhưng các bài đăng của trang này đã có thể lan truyền tới hơn 140 triệu người.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Bảng Tin, hay bất kỳ thành phần nào của Facebook ở thời điểm hiện tại, sẽ biến mất trong tương lai. Nhưng Zuckerberg rõ ràng đang hứng thú với việc thay đổi định hướng của Facebook từ một Bảng Tin đầy rắc rối sang một mô hình giới hạn hơn để chia sẻ thông tin. Đây chính là những gì đang tồn tại trên WhatsApp ở thời điểm hiện tại - một mô hình mà, mặc dù riêng tư hơn, nhưng vẫn có thể dẫn tới những vấn đề phức tạp ngoài đời thực - song cũng vẫn là một ví dụ tốt để công ty có thể định hình lại toàn bộ giao diện cũng như cách kiếm tiền của họ.

Mặt khác, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào những gì mà CEO Facebook đã "thổ lộ" trong bài viết vừa qua. Zuckerberg trong quá khứ đã từng đưa ra những hứa hẹn lớn lao về tương lai của Facebook, nhưng hiếm khi chúng trở thành hiện thực. Năm năm trước, anh từng tuyên bố về việc xây dựng một nền tảng điện toán thế hệ mới, tập trung vào công nghệ thực tế ảo. Hiện giờ công ty vẫn đang phát triển những thứ đó, song với quy mô nhỏ hơn nhiều so với những gì Mark từng "khoe khoang". Cả những tính năng về quyền riêng tư của người dùng nữa, đây cũng là những thứ mà Facebook rất chậm chạp trong việc triển khai: công cụ "xoá lịch sử" mà Facebook từng hứa hẹn sẽ ra mắt vào nửa đầu năm 2018, thì giờ đây lại được lên kế hoạch phát hành vào một thời điểm nào đó trong nửa cuối của năm 2019.

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã thấy tầm nhìn của Zuckerberg cho tương lai đang hướng về đâu. Những người dùng của anh ta đang đòi hỏi nhiều hơn nữa về vấn đề quyền riêng tư, và những dịch vụ ít "xâm phạm" [vào đời tư của họ] từ nhiều năm nay. Hiện tại Facebook vẫn chưa làm được những điều đó, song Zuckerberg có vẻ đã sẵn sàng cho những sự thay đổi mới.

Theo Vn review​
 
Bên trên