Giáo sư ĐH Oxford: AI vừa lợi, vừa hại cho các nước đang phát triển

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Ian Goldin, giáo sư Đại học Oxford, cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế hàng triệu việc làm trong tương lai, thách thức đà tăng trưởng ở các nước đang phát triển

Tôi đã dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu vấn đề phát triển toàn cầu, và trong những năm gần đây tôi thành lập nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford. Mục đích là xem xét tác động của công nghệ đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Câu hỏi quan trọng nhất mà chúng tôi xem xét có lẽ là liệu AI sẽ gây ra mối đe dọa hay mang đến những cơ hội mới cho các khu vực đang phát triển như Châu Phi.

Người lạc quan nói rằng những nơi như vậy có thể sử dụng các hệ thống AI để nhanh chóng tăng năng suất, tạo bước nhảy vọt. Nhưng tôi ngày càng lo ngại rằng trên thực tế, AI cũng có thể chặn đường tăng trưởng truyền thống bằng cách thay thế các công việc lương thấp bằng robot.

maxresdefault.jpg

Công nhân các nước đang phát triển sẽ sớm mất việc?

Theo Kai-Fu Lee, một nhà đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Bắc Kinh, AI có thể xem là công nghệ mang tính cách mạng nhất xuất hiện trong thế kỷ này. Nó cùng với các công nghệ liên quan đến học máy (machine learning) và robot đang tiến bộ chóng mặt.

AI ngày càng đáp ứng nhiều nhu cầu công việc khác nhau, chúng còn có thể làm việc liên tục và không bị cảm xúc chi phối. Tại các nền kinh tế phát triển, robot phục vụ hơn một nửa công việc trong ngành sản xuất xe hơi và các ngành công nghiệp liên quan khác.

Thậm chí công việc của các nhân viên tư vấn ở tổng đài cũng đang dần bị thất sủng, do người dân đánh giá cao các hệ thống trực tuyến hơn.

Tương tự, các hệ thống hỗ trợ thông minh cũng đang dẫn đến một số bộ phận hành chính tại văn phòng trong ngân hàng, y tế, bảo hiểm và kế toán bị cắt giảm nhân sự. Đây đều là những công việc mà trước kia được giao cho các nước đang phát triển thực hiện như Ấn Độ, Việt Nam, Nam Phi và Morocco.

maxresdefault_1.jpg

Chỉ cần một người để vận hành cả một công đoạn sản xuất xe hơi.

Công việc dần “bốc hơi” ở các nước đang phát triển
Theo nghiên cứu của chúng tôi tại Oxford, khoảng 40% số việc làm ở Châu Âu, 50% số việc làm ở Mỹ sẽ bị mất đi vì sự xuất hiện của AI. Con số này còn lớn hơn ở những quốc gia đang phát triển.

Một số người lập luận rằng AI làm mất đi công việc cũ nhưng cũng sẽ tạo ra những công việc mới cho người dân. Nhưng tôi tin rằng những công việc mới đó sẽ chỉ tập trung ở các nước phát triển và các nước đang phát triển sẽ bị ra rìa.

Chi phí nhân công giá rẻ là điểm mấu chốt để các quốc gia đang phát triển ví dụ như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam bắt kịp các nước phát triển.

"Chi phí nhân công giá rẻ là điểm mấu chốt để các quốc gia đang phát triển ví dụ như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam bắt kịp các nước phát triển" Ian Goldin, Giáo sư Đại học Oxford, Anh

Các quốc gia này thường thiếu lực lượng lao động có chuyên môn cao, đa phần là lực lượng lao động "bán lành nghề" như công nhân, người làm dịch vụ. Đây lại là nhóm những công việc sẽ bị AI "tước đi" nhiều nhất.

Sự phát triển của công nghệ còn tạo ra nhiều thách thức khác. Người dân ở các nước phát triển sau này có thể sẽ sử dụng quần áo, giày dép hay các vật dụng khác được in bằng máy in 3D. Những ngành công nghiệp này đã và đang là nguồn thu chính của các nước đang phát triển.

Nền công nghiệp gia công cũng sẽ sớm chấm dứt, các nước phát triển sẽ sớm rút bớt các bản hợp đồng với các nước đang phát triển. Guy Ryder, tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ của các nước phát triển sẽ đẩy nhanh tiến trình này như thế nào. Các công ty sẽ sớm rút về các quê hương của mình khi họ không cần đến nguồn nhân công giá rẻ nữa. Họ đã có lực lượng lao động là máy móc và AI.

Bất bình đẳng ngày càng tăng
Khi công nghệ dần chiếm lấy vị trí ưu thế trong nền kinh tế, các nước phát triển sẽ càng tập trung vào công nghệ nhằm nắm giữ quyền lực nhiều hơn nữa.

Xu hướng này sẽ sớm lan rộng, khiến tình trạng bất bình đẳng ngày càng trở nên tồi tệ. Do tính chất khó xác định về mặt lãnh thổ của công nghệ, nguồn thuế của chính phủ sẽ bị thất thu, dẫn đến cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục nhanh chóng suy thoái.

Ngành công nghiệp công nghệ cũng thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, gây ra tình trạng "chảy máu chất xám" ở nhiều quốc gia. Tất cả nền kinh tế hiện nay đều yêu cầu những người lao động có tay nghề cao làm việc trong các lĩnh vực như AI, nhưng những công dân toàn cầu này chỉ thích sự an toàn và tiện nghi cùng cơ hội phát triển ở một số thành phố lớn. Do đó, các nước nghèo sẽ càng khó giữ chân lao động của mình hơn.

Hiệu ứng này không chỉ ở quy mô quốc gia, mà còn thể hiện ở quy mô công ty. Ví dụ một số công ty về AI đang thống trị ở Mỹ và Trung Quốc, đang thu hút nhân tài kể cả từ các nước phát triển khác như châu Âu hay Nhật Bản.

localofficeimagessanfran1440x810.jpg

Các thành phố lớn đang là điểm đến hứa hẹn của các kĩ sư công nghệ

Vẫn có những tín hiệu tốt đẹp
Một vài công ty mới nổi đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở các nước nghèo. Họ cũng giúp người dân tiếp cận tốt hơn với giáo dục, y tế, việc làm và nhiều cơ hội khác.

Một trong những công ty đó là M-Pesa, cung cấp một nền tảng chuyển tiền qua điện thoại di động đang được hơn 60% người dân ở Kenya sử dụng. M-Tiba, một ứng dụng khác của Kenya, đang sử dụng công nghệ tương tự để cung cấp dịch vụ y tế cho hơn bốn triệu người.

Một số chuyên gia tin rằng AI có thể mang lại những lợi ích đột phá như công nghệ điện thoại di động tại các quốc gia đang phát triển giúp khắc phục được những khoảng trống trong cơ sở hạ tầng, góp phần giúp đỡ các quốc gia tiếp tục phát triển.

Các báo cáo gần đây của Ủy ban Pathways for Prosperity và Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng AI và nền kinh tế kỹ thuật số có thể mang đến lợi ích về giáo dục, cũng như việc làm và thu nhập cho người dân ở các nước nghèo, kể cả những người ở khu vực nông thôn bị cô lập.

Tuy nhiên, những ví dụ trên cũng chỉ là những ngày đầu của các start-up, và không biết họ có thành công hay không. Người ta cũng không rõ những điều tích cực ở Kenya có thể được nhân rộng hay không. Họ cũng chẳng biết liệu những điều tốt đẹp này có thể đối trọng lại với những rủi ro hiện hữu hay không.

Mỗi ngày trôi qua, công nghệ càng trở thành một trở ngại lớn hơn đối với các nước phát triển. Các nhà hoạch định chính sách có lẽ cần phải quan sát thật cẩn thận, sớm đưa ra những quyết định sáng suốt.

Theo Zing​
 
Bên trên