"Mất" Steve Jobs, Apple cũng mất luôn khả năng tung ra những sản phẩm cách mạng?

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Mười năm sau khi nhà sáng lập vĩ đại Steve Jobs của Apple qua đời, Táo khuyết đã phát triển thành một công ty khổng lồ về thiết bị cũng như dịch vụ, trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Thế nhưng, những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của Apple vẫn luôn nhớ về thời kỳ hào quang, mang tính cách mạng.

hd.png


Không còn khả năng sáng tạo?
“Apple không còn đổi mới nữa” hay “Steve Jobs ở nơi chín suối dường như cũng đang rất phiền muộn” là những câu nói bày tỏ sự thất vọng của những người hâm mộ Apple khi Tim Cook – người nắm quyền lãnh đạo Apple, thay thế cho Steve Jobs từ tháng 08/2011 – tổ chức các buổi ra mắt sản phẩm.

Steve Jobs qua đời ngày 05/10/2011 sau khi chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tụy quái ác. Ông đã để lại cho Tim Cook một Apple thấm nhuần tư tưởng khắt khe và khác biệt của mình.

Cứ mỗi lần ra mắt, Tim Cook đều đưa ra những cụm từ to lớn, giống như Steve Jobs đã từng làm khi công bố những thay đổi lớn, thậm chí là với camera, chip bên trong điện thoại, tablet hay những thiết bị khác.

Nhưng liệu chúng có phải là những đổi mới mang tính cách mạng, có thể thay đổi cuộc chơi, trong thời kỳ hậu Steve Jobs hay không?

Nhà phân tích ngành công nghệ Rob Enderle tại Enderle Group cho biết: “Apple đã mất khả năng tung ra những sản phẩm có thể cách mạng hóa thị trường”. Ông bổ sung thêm: “Họ đã trở thành một công ty tập trung vào tính kinh tế, cực kỳ hiệu quả trong việc khai thác nhóm người dùng trung thành của mình.”

Công ty có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới này được thành lập vào năm 1976 trong một garage. Những thiết bị mang tính cách mạng nhất của Apple có thể kể đến iPod năm 2001, iPhone năm 2007,... với sứ mệnh đưa Internet vào túi của mọi người. Sau đó là iPad và MacBook, đều có tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới công nghệ.

Dưới thời Tim Cook, Apple đã phát hành Apple Watch, AirPods, HomePod và gần đây nhất là AirTag. Tất cả đều chỉ là phụ kiện chứ không phải thiết bị độc lập như dưới thời Jobs. Nói cách khác, chúng không thể thành công nếu không có nền tảng từ iPhone, iPad,... Và nếu thất bại, có thể do Apple đã làm chưa đủ tốt, chưa gắn kết được với hệ sinh thái sẵn có mà thôi.

Tim Cook hướng đến sự củng cố và mở rộng
Nhà phân tích Carolina Milanesi lưu ý: “Thước đo của Apple luôn là sự đổi mới, đó là điều mà mọi người luôn chú tâm đến. Một khía cạnh khác của công ty thành công chứng tỏ rằng công ty đang thay đổi bản thân.”

Apple thực sự đã đa dạng hóa mình bằng cách thêm nhiều dịch vụ tích hợp vào các thiết bị của mình, từ thanh toán, âm nhạc, video cho đến chơi game. Công ty đã cố gắng tập trung vào một thế giới bên ngoài phần cứng. Milanesi mô tả chiến lược này như “nhiều sợi dây đưa mọi người đến với Apple, rồi trói họ lại trong hệ sinh thái”.

Đó có lẽ là một hướng đi mà Steve Jobs cũng sẽ chọn theo, bởi theo cuốn tiểu sử do Walter Isaacson viết, vị CEO vĩ đại đại này luôn cố gắng kiểm soát mọi trải nghiệm của khách hàng, từ đầu đến cuối.

Thực tế, dưới trướng Tim Cook, Apple đã làm nức lòng Phố Wall. Thương hiệu Apple trị giá khoảng 350 tỉ USD từ 10 năm trước giờ đây đã cán mốc 2.358 nghìn tỉ USD.

Nhà phân tích Dan Ives dự đoán: "Theo quan điểm của chúng tôi, Apple sẽ cán mốc 3 nghìn tỉ USD trong 6 – 9 tháng tới.” Không giống như những người hâm mộ Steve Jobs, Ives tin rằng Apple chưa bao giờ ngừng phát minh. Nhà phân tích này đưa con chip Apple M1 ra làm ví dụ điển hình. Con chip ARM này sẽ thay thế những CPU Intel trong một số thiết bị mới.

Ives cho hay: “Tôi nghĩ rằng Apple đã phát triển theo thời gian và Cook cũng vậy, và tôi tin có một điều mà Jobs rất tin tưởng vẫn đang xảy ra, đó chính là sự đổi mới có tổ chức.”

Anh lưu ý, iPhone sẽ tiếp tục là “trái tim và lá phổi” cho sự tăng trưởng của Apple trong nhiều năm tới. Nhưng anh cũng nhìn thấy sự tồn tại của kính thực tế ảo và thậm chí là một chiếc xe ô tô của Apple trong năm 2024. Đó có thể là thành tựu đột phá giá trị nhất dưới thời Cook.

Sự mềm mỏng trong đối ngoại
Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, Cook và đội ngũ của ông đã tạo ra các xu hướng trái ngược trong những năm gần đây. Có thể họ không giỏi trong việc đưa ra những sản phẩm cách mạng, nhưng về mặt đối ngoại, công ty có cách tiếp cận rất khác biệt so với thời Jobs.

Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu dường như không ảnh hưởng nhiều đến khả năng đáp ứng nhu cầu của nhà Táo. Các thỏa hiệp chính trị với mục tiêu duy trì thị trường Trung Quốc, vốn trái với những cam kết về quyền riêng tư, cũng đã được siết chặt nhằm tránh làm mất lòng người dùng. Cho đến nay, Apple cũng tương đối bình an so với những gã khổng lồ khác như Google và Facebook trong cuộc chiến chống độc quyền, dù rằng công ty buộc phải nới lỏng quyền kiểm soát của mình đối với kho ứng dụng App Store.

Tuy nhiên, Táo khuyết lại nằm trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý tại Châu Âu và Mỹ khi bị đặt nhiều nghi vấn về sự thống trị và phạm vi toàn cầu của mình.

Hơn như, Apple cũng đã xử lý tốt những vấn đề hóc búa như tung ra bản sửa lỗi phần mềm khẩn cấp, nhằm ngăn chặn spyware Pegasus. Hay quyết định hoãn thực hiện hệ thống kiểm duyệt chống lạm dụng trẻ em, vốn đã bị nhiều gạch đá từ những người ủng hộ quyền riêng tư.

Một số nhà phân tích cho rằng, phong cách nóng nảy của Steve Jobs sẽ không phù hợp với việc xử lý những vấn đề tế nhị như vậy. Đề cập đến tính cách nóng nảy của Jobs, Milanesi cho hay: “Trong 10 năm qua, tôi không nghĩ phong cách của Jobs sẽ tồn tại được. Theo quan điểm của tôi, Cook là một lãnh đạo tốt hơn.”

Theo VN review​
 

Đính kèm

  • upload_2021-10-6_17-21-15.png
    upload_2021-10-6_17-21-15.png
    172 bytes · Xem: 15
  • upload_2021-10-6_17-21-15.png
    upload_2021-10-6_17-21-15.png
    172 bytes · Xem: 9
  • upload_2021-10-6_17-21-15.png
    upload_2021-10-6_17-21-15.png
    172 bytes · Xem: 8
Bên trên