NÓI quan trọng hơn LÀM: yếu tố kịch tính trong phim ảnh

bacsinam

New Member
Xin chào các bạn cinephile thân mến. Sau một thời gian tạm gián đoạn vì công việc, tôi xin trở lại để đóng góp trong diễn đàn bàn luận về phim ảnh. Chủ đề của bài viết lần này là : « kịch tính» trong phim ảnh, hay tôi có thể nói một cách đơn giản, là yếu tố hội thoại giữa các nhân vật trong phim; mà theo thiển ý của tôi, có vai trò quan trọng hơn cả yếu tố "hành động".

Không it người trong chúng ta vẫn thường than vãn: sao phim này không thấy hành động gì cả, sao thấy đi ra đi vô , ngồi nói chuyện dài lê thê, buồn ngủ quá. Có thật như vậy không ?

Chúng ta đang ở vào thời đại mà kỹ xảo điện ảnh có thể làm nên những điều kì diệu ngoài sức tưởng tượng, và kì diệu nhất là ở chỗ sự giả tạo đó đạt đến mức hoàn thiện, chúng tự nhiên sống động đến mức từ lâu ta quên đi sự nghi ngờ khi xem phim kiểu như: họ đã làm giả cái này như thế nào ?. Người ta đã bay quá cao xa trong thế giới hiệu ứng hình ảnh nhưng lại ngày càng giảm quan tâm đến đặc tính cơ bản của xã hội loài người mà phim ảnh muốn nắm bắt, đó là sự giao tiếp, hội thoại.

Chúng ta đừng quên là ngay từ những ngày đầu tiên khi con người phát minh ra điện ảnh, họ đã có thể ghi lại hành động của nhân vật trên phim, mà ta gọi là phim câm. Nhưng phim câm không làm con người thỏa mãn, ngay cả khi xem diễn xuất hình thể và khuôn mặt một cách xuất sắc của Charlie Chaplin. Người ta muốn nghe lời thoại. Phải đợi hơn 100 năm sau các nhà làm phim mới có thể đồng bộ ghi âm tiếng nói của con người vào phim. Đưa lời thoại vào phim đã thực hiện một mơ ước của con người, để điện ảnh từ một trò tiêu khiển không hơn tiết mục xiếc, thực sự trở thành một bộ môn nghệ thuật mà ta gọi là nghệ thuật thứ bảy.

Trong những năm 40 phim chính kịch và tình cảm lãng mạn chiếm ưu thế, và xu hướng này ít thay đổi trong suốt 20 năm sau. Cần lưu ý là rất ít phim hành động hay giả tưởng của giai đoạn này gây được tiếng vang, trái ngược với thời đại ngày nay. Phim thời đó rất gần với nghệ thuật sân khấu. Cảnh trí đôi khi chỉ là một căn phòng, hay góc phố trong phim trường, 1 cái bàn, và những nhân vật ngồi nói chuyện với nhau, đàn ông thì phun khói thuốc mù trời còn phụ nữ thì làm duyên làm dáng.

Giai đoạn này cũng cho thấy sự bình đẳng giữa các quốc gia về phim ảnh, với anh nhà giàu như Hoa kì hay lạc hậu như Đức, non trẻ như Liên Xô, Nhật Bản... đều có cơ hội như nhau, chỉ cần kịch bản hay là đủ để làm nên kiệt tác nghệ thuật. Các phim như "M" của Fritz Lang, The third man, Rashomon, Bài ca người Lính đều là những kiệt tác, hầu như không có chênh lệch về khoảng cách, điều mà ngày nay trở nên rõ ràng và nguy hiểm, khi Mỹ trở thành bá chủ về điện ảnh chỉ vì họ có nhiều kĩ xảo và tiền bạc hơn.

Dòng phim trinh thám cổ điển thời này rất ăn khách, và yếu tố cần thiết để làm nên tinh thần của phim trinh thám lại rất đơn giản, đến mức tối thiểu. Câu chuyện có thể là 1 lâu đài bỏ hoang như trong phim "And then there were none " năm 1945, khi 10 người khách không quen biết được mời đến và lần lượt từng người bị giết một cách bí ẩn. Yếu tố cốt lõi của những phim này là kịch tính. Về sau không ít phim cũng được dựng trên hoàn cảnh tương tự, như "The clue" năm 1985, hay gần đây như "Cube" năm 1997, "Saw" năm 2004.

6305882649.01.LZZZZZZZ.jpg

Hình: Một phim hay của dòng phim trinh thám cổ điển: Các bạn nên tìm xem phim này, nó rất thú vị...

Chỉ cần 2 người ngồi nói chuyện với nhau cũng đủ trở thành 1 phim lôi cuốn từ đầu đến cuối ? Kỉ lục khó tin này có lẽ thuộc về phim Sleuth, (1972) dựng lại từ 1 vở kịch của Anh, hai diễn viên tài ba đó là Micheal Caine và Laurence Olivier, đóng vai 2 người biết rõ đối thủ muốn giết mình nhưng vẫn duy trì cuộc nói chuyện bình thường, trong một căn nhà; phim này đứng thứ 210 trong top 250 của Imdb, nó chứng minh rằng kịch tính trong phim có vai trò tối quan trọng, thậm chí quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác gộp lại. Nếu có 1 kịch bản tốt, chỉ cần 2 diễn viên cũng đủ đẩy người xem đến mọi cung bậc cảm xúc như sợ hãi, căng thẳng, vui vẻ hay giận dữ.

SleuthCaineOlivier.jpg

Hình: Phim Sleuth năm 1972 (và remake năm 2007), chỉ cần 2 diễn viên trong căn nhà này và ta có một câu chuyện lôi cuốn từ đầu đến cuối

Trong phim The Rope năm 1945, chuyện phim xảy ra từ đầu đến cuối trong một căn phòng, vài người trò chuyện trong đó, đơn giản đến mức Hitchcock chỉ sử dụng một máy quay duy nhất và cảnh quay được quay liên tục vài chục phút, giống như một vở kịch trên truyền hình được ghi bằng video camera đặt cố định vậy. Kịch tính trong phim này xuất phát từ chỗ có một xác chết giấu dưới bàn ăn và thủ phạm là chủ nhà...
Sự gặp gỡ giữa 2 người là hoàn cảnh lí tưởng để dựng nên những đoạn phim kịch tính và có giá trị nghệ thuật cao, như cảnh chàng hiệp sĩ ngồi chơi cờ vua, đấu trí với Thần Chết bên bờ biển trong phim "Dấu ấn thứ bảy" đã đi vào lịch sử.

Trong phim The shining, nếu loại bỏ những con ma trong khách sạn, ta thấy câu chuyện chỉ xoay quanh 2 nhân vật : ông bố điên và đứa con có khả năng ngoại cảm. Sự hồi hộp sợ hãi trong phim này len lỏi vào từng khớp xương của khán giả không phải do hiệu quả nhát ma, máu me hay âm thanh rùng rợn, mà từ những lời đối thoại trong phim, tôi còn nhớ cảm giác rờn rợn khi nghe những câu nói như : « stay here forever, and ever… ».

Một tác phẩm kinh điển cho tính kịch khác phải kể tới là « 12 angry men », kể về cuộc tranh luận nảy lửa trong đoàn bồi thẩm của một phiên tòa xử vụ án 1 người thanh niên giết cha. Từ đầu đến cuối phim chỉ là những lời tranh luận, nêu lý lẽ để biện hộ hay buộc tội và nhân vật chính trong phim là 1 người bồi thẩm muốn cứu cậu bé khỏi án tử hình, ông phải đối chọi với thành kiến của 11 người còn lại, ảnh hưởng thuyết phục họ biểu quyết vô tội. Đây là một bộ phim xuất sắc, từng lời nói đều cuốn hút người xem.

12-angry-men.jpg

Hình: 12 angry men, toàn bộ phim diễn ra trong căn phòng này với 12 diễn viên

Một ví dụ khác cho tầm quan trọng của kịch tính là những phim truyền hình, các bạn còn nhớ khán giả trong nuớc những năm 92-93 từng căng mắt theo dõi những phim Mexico như « người giàu cũng khóc » hay « tôi là Maria » dài hàng trăm tập, mà chỉ có vài diễn viên, đi qua đi lại trong phòng và nói chuyện… Hay dòng phim bộ của Đài loan, Hong Kong thập niên 80 mà ngày nay ai cũng phì cười vì trang phục và kĩ xảo của chúng, nhưng không ít phim vẫn bất tử vì có kịch bản và diễn xuất không chê vào đâu được, như « Lộc Đỉnh Ký 1984 ».

Tại hollywood, người ta vẫn làm những phim đặt nền tảng trên hội thoại và tâm lý, mà đa số những phim này lại đều đi vào lịch sử như những kiệt tác, như các phim : the silence of the lambs, câu chuyện về tên ăn thịt người với nữ nhân viên FBI, hay phim « Frailty », cũng là lời tự thuật bí hiểm của một tên giết người hàng loạt. Đỉnh cao của thể loại chính kịch gần đây nhất là phim « Changeling », một bộ phim có những cảnh đối thoại khiến người xem phải khóc vì xúc động hay nghiến răng phẫn nộ… Ngoài ra, những đạo diễn phim hành động cũng không quên xen vào những phim hành động những trường đoạn đối thoại có kịch tính cao và mang ý nghĩa sâu sắc, nêu bật được tính cách nhân vật và chủ đề của phim. Ta có thể kể những cảnh như Smith hỏi cung Morpheus, Neo gặp bà già tiên tri trong phim Matrix ; hay kiệt tác : Batman The dark knight có nhân vật Chú hề có nhân cách hết sức quái dị, nhưng lời nói của hắn lại chứa đựng những ý nghĩa triết lý rất sâu sắc, cuộc đối dầu của hắn và Batman trong phim mang màu sắc ý thức hệ và nhân cách hơn là đối đầu cơ bắp. Có lẽ vì vậy mà bộ phim này trở thành phim về siêu anh hùng hay nhất.

Batman-Dark-Knight.jpg

Hình: Batman và chú hề, đoạn đối đầu căng thẳng trong phim "the dark knight", khi bạo lực phải nhường chỗ cho trí não

Trong dòng phim hành động đánh đấm ầm ầm, các nhà làm phim Trung quốc vẫn chứng minh được là phim chính kịch có sức hút không thua kém, như ta thấy trong phim « Phong thanh », một sự hồi sinh của dạng phim trinh thám gián điệp cổ điển, khi các nhân vật ngồi lại bên chiếc bàn tròn và đấu trí với nhau bằng những lời thoại chứ không phải bằng súng đạn. Cảm giác ngàn cân treo sơi tóc khán giả thấy được là qua những lời thoại này.

Thời nay, giữa một rừng phim hành động, giả tưởng, thần thoại, chúng ta bị ngộp trong những cảnh vĩ đại hoành tráng, bị kích đông vởi những cảnh bắn giết, những vụ nổ, màu sắc… nhưng chúng ta quên đi rất nhanh những nhân vật trong phim, tôi có cảm tưởng đang xem một cuốn truyện tranh, vì họ nói ít quá, và giao tiếp giữa người và người mờ nhạt trong phim. Tôi còn nhớ năm ngoái mình đã nín thở, mắt long lanh khi theo dõi những cảnh hết sức kịch tính trong phim « Inglourious Basterds », các bạn cũng phải công nhận là thành công của bộ phim không nằm ở những cảnh bắn giết máu me mà ở những cuộc đối thoại căng thẳng, như đoạn tên trùm mật vụ SS Hans Landa tra tấn tinh thần ông lão nông dân Lapadite, hay trò chơi đấu trí (và kết thúc bằng đấu súng ) trong quán rượu, quá xuất sắc. Tôi chợt nhớ đến một câu nói : Con người là con vật nguy hiểm nhất, trong hoàn cảnh này có thể hiểu là : Khi có từ 2 người trở lên ngồi nói chuyện với nhau, bạn hãy chuẩn bị cho chiến tranh !

7hp6r0-560x420.jpg

Hình: Hans Landa: Chúng ta có vài chuyện để nói với nhau...

Những năm đầu thập niên 80, khi mà Việt nam vẫn còn nghèo, ta đã làm được những bộ phim gián điệp xuất sắc như « Ván bài Lật ngửa », mà thậm chí những người cựu quân nhân VNCH cũ cũng phải khen hay và tập trung theo dõi. Rõ ràng là sức hấp dẫn trong phim không phải do cảnh chiến tranh, bắn giết mà là những cảnh đấu trí, đối thoại theo kiểu mèo vờn chuột giữa Nguyễn Thành Luân và kẻ thù.

van-bai-lat-ngua-mot-dinh-cao-cua-dien-anh-viet-nam-4.jpg

Hình: Điệp viên Made in Vietnam

Hãy đào sâu hơn nữa vào nguồn cội của phim ảnh, đó là kịch bản, là cốt truyện, là lời thoại của nhân vật, hãy chăm chút cho kịch bản hơn nữa trước khi quyết định bỏ tiền vào làm phim, nếu muốn tạo ra những tác phẩm lôi cuốn khán giả ; đó là lời góp ý chân thành của cá nhân người viết với những nhà điện ảnh trong nước. Chúng ta đã đổ lỗi quá nhiều cho sự thiếu thốn về kinh phí, lạc hậu về kĩ xảo, nhưng chúng ta quên rằng đã có một thời chúng ta chưa có phim màu, chưa có kĩ xảo, chỉ cần vài diễn viên và 1 căn phòng là đủ làm nên tác phẩm có giá trị. Đừng như một người cố gắng bay vào vũ trụ, càng bay xa họ càng trở nên mất trọng lực và làm điều gì cũng vướng víu khó khăn. Có những điều kì diệu nảy sinh ngay từ mặt đất nơi ta đang đứng, như một lực sĩ cử tạ, một vận động viên điền kinh về đích hay một mầm xanh nở hoa vậy.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

dnghi

Member
Ðề: NÓI quan trọng hơn LÀM: yếu tố kịch tính trong phim ảnh

Hiếm khi đọc được một bài viết chất lượng như vậy! Cảm ơn bacsinam (cứ tưởng bác khoái "xử lý hình ảnh" vụ Tây Sơn Hào Kiệt thôi chứ?! hihi)
Về chuyện kịch bản cho phim, không cần đao to búa lớn như phim điện ảnh, phim truyền hình với kích bản như 24 hours (bền bỉ với tổng cộng 8 seasons) cũng đã cho thấy chúng ta còn phải nghiêm túc học hỏi người ta rất nhiều. Vấn đề là nhận thức được chuyện đó hơn chục năm nay rồi, khen điện ảnh xứ bạn cũng mỏi cả miệng rồi, nhưng người ta vẫn lì ra đó, vẫn đỗ lỗi do thế này do thế nọ...chứ chúng ta chưa thấy có sự đầu tư nghiêm túc, ra hồn cho 1 nền điện ảnh hiện đại. Trong khi chờ đợi những bộ phim đúng nghĩa từ trong nhà, có lẽ chúng ta còn tốn nhiều tiền bạc, công sức, thời gian, tâm tư...cho những tác phẩm của hàng xóm vậy!
 

dotu

Member
Ðề: NÓI quan trọng hơn LÀM: yếu tố kịch tính trong phim ảnh

2 bác hiền dễ sợ:)

Thú thật là tới giờ tui vẫn nửa nghe nửa đọc khi xem phim Mĩ, nhiều lúc ko hiểu nhân vật nói gì phải đoán. Lời thoại câu chữ phim Mĩ sâu mà hiểm đi sát tính cách nv trong tình huống. Chiều ngược lại phim VN do các bác các chú sợ dân mình ko hiểu hay sai í mà lời thoại đơn giản hóa đi + chất giọng "kịnh" của dv ta càng khiến phim mất đi sự đa dạng nv
 

congminh1709

New Member
Ðề: NÓI quan trọng hơn LÀM: yếu tố kịch tính trong phim ảnh

Một bài viết hay và công phu. Tóm lại có lẽ ý bạn muốn nói là

Nội dung + diễn xuất >> Kỹ xảo

Điều này rất thích hợp cho hoàn cảnh điện ảnh nước nhà hiện nay.
 

James Vo

Member
Ðề: NÓI quan trọng hơn LÀM: yếu tố kịch tính trong phim ảnh

Có một phim mà bacsinam hông nói tới là phim Phone Booth. Phim này, em coi lần đầu là bị ấn tượng cái cách đối thoại giữa hai nhân vật luôn đó. Trong phim này, Collin Farel đóng đạt thiệt đóa.
 

dnghi

Member
Ðề: NÓI quan trọng hơn LÀM: yếu tố kịch tính trong phim ảnh

Có một phim mà bacsinam hông nói tới là phim Phone Booth. Phim này, em coi lần đầu là bị ấn tượng cái cách đối thoại giữa hai nhân vật luôn đó. Trong phim này, Collin Farel đóng đạt thiệt đóa.

Bổ sung tí: Nhân vật còn lại chỉ thể hiện bằng giọng nói qua phone và xuất hiện khoảng 1 phút cuối phim, đó là Kiefer Sutherland (Thủ vai Jack Bauer trong loạt 8 phần của phim truyền hình nổi tiếng 24 giờ mà mình đề cập ở trên.)
 

tambua

New Member
Ðề: NÓI quan trọng hơn LÀM: yếu tố kịch tính trong phim ảnh

Bài viết hay quá , không biết có bác nào đạo viễn của VN đọc được cái này không
 

manhthang

Huyền Thoại
Ðề: NÓI quan trọng hơn LÀM: yếu tố kịch tính trong phim ảnh

VN có bác đạo diễn "dùng phép thuật để ép tổng thống Mỹ không được gây chiến Anh" đấy, bác ấy nổi tiếng đến độ chỉ cần phim nào bác ấy viết kịch bản là em không xem =))

bacsinam có nhiều bài viết đầu tư tỉ mỉ quá :)
 

seagalvsjetli

Active Member
Ðề: NÓI quan trọng hơn LÀM: yếu tố kịch tính trong phim ảnh

Xin chào các bạn cinephile thân mến. Sau một thời gian tạm gián đoạn vì công việc, tôi xin trở lại để đóng góp trong diễn đàn bàn luận về phim ảnh. Chủ đề của bài viết lần này là : « kịch tính» trong phim ảnh, hay tôi có thể nói một cách đơn giản, là yếu tố hội thoại giữa các nhân vật trong phim; mà theo thiển ý của tôi, có vai trò quan trọng hơn cả yếu tố "hành động".
...

Hãy đào sâu hơn nữa vào nguồn cội của phim ảnh, đó là kịch bản, là cốt truyện, là lời thoại của nhân vật, hãy chăm chút cho kịch bản hơn nữa trước khi quyết định bỏ tiền vào làm phim, nếu muốn tạo ra những tác phẩm lôi cuốn khán giả ; đó là lời góp ý chân thành của cá nhân người viết với những nhà điện ảnh trong nước. Chúng ta đã đổ lỗi quá nhiều cho sự thiếu thốn về kinh phí, lạc hậu về kĩ xảo, nhưng chúng ta quên rằng đã có một thời chúng ta chưa có phim màu, chưa có kĩ xảo, chỉ cần vài diễn viên và 1 căn phòng là đủ làm nên tác phẩm có giá trị. Đừng như một người cố gắng bay vào vũ trụ, càng bay xa họ càng trở nên mất trọng lực và làm điều gì cũng vướng víu khó khăn. Có những điều kì diệu nảy sinh ngay từ mặt đất nơi ta đang đứng, như một lực sĩ cử tạ, một vận động viên điền kinh về đích hay một mầm xanh nở hoa vậy.

Bacsi có những bài viết rất nghiêm túc và có giá trị, khỏi bàn cãi.
BS chịu khó tham gia tranh luận với ae nhiều hơn để tăng tính dễ gần cũng như truyền đạt những triết lý và cách tư duy đúng đắn cho mọi người với nhé.
Nếu được, BS cho ae cũng như mình biết tuổi được không ạ? Mình không muốn bị coi là trẻ con nông cạn lắm lời với người lớn.

Phim ít nhiều gì thì tác giả đều muốn nhắn gửi hoặc xác nhận lại những giá trị của cuộc sống tới khán giả, mà những giá trị ấy thì chỉ truyền lại cho đời sau bằng lời nói, câu từ chứ đâu hề có hành động. Do đó mới có cả đống sách nhân văn, triết lý của thế hệ trước dành cho thế hệ sau. Đó là điều rõ ràng khi ánh mắt, thái độ và lời thoại trong phim phải là thứ phải để lại trong đầu khán giả chứ không phải hành động; hành động chỉ là mang tính giải trí, gây ấn tượng chứ chưa hề được đánh giá cao trong giá trị của 1 bộ phim.

Về phim trong nước nói riêng và hầu như tất cả các lĩnh vực trong đó có giải trí nói chung, hầu như ai cũng không hài lòng. Mình nghĩ những nhà làm phim VN không phải họ không làm được phim chất lượng mà vì họ không muốn làm, không chịu làm với tình hình đất nước như thế này, thôi nói nữa sợ ở tù...
Ví dụ như trước đây mình hay chửi cái đám viết nhạc viết cái kiểu gì mà ra đường toàn nghe ba cái nhạc phát ói. Về sau này mới biết là không phải loại nhạc đó nói lên chất lượng của tác giả mà là tác giả vì còn phải kiếm cơm ăn còn hơn là làm nghệ thuật để mà đói. Đó là vì chất lượng thưởng thức của xã hội (giờ đây đám choai choai + có tiềm lực của cha mẹ chúng mới là số đông nên gọi tạm là xã hội) nó thấp tệ thế nên họ phải giảm trình độ xuống để chiều chúng nó. Mà chất lượng chúng nó thấp thế sâu xa là do cái gì? Đừng đổ lỗi cho người dân, giống như báo đài hay đổ lỗi người dân không có ý thức (bằng người ở những nước phát triển). Thật là buồn cười! (Con cái nó hư người ta đổ lỗi cho cha mẹ hay đổ lỗi do chính bản thân chúng nó?).
Thế nên BS đưa lời khuyên vào đây làm gì...thấy nó buồn cười sao ấy (sozi)
Mình thì lâu lâu vẫn xem được vài bộ phim truyền hình miền Bắc làm ra trò ấy chứ: câu cú, ánh mắt thái độ làm mình không dứt ra mà đi đâu được ấy chứ. Ví dụ tạm như kịch 30 Tết mà năm đầu tiên Táo những bộ trưởng nước ta đọc sớ = nhạc rap,...

Nói cái này là k sợ bị bắt nà, nước ta còn nghèo, dân tình còn mải tập trung trí khôn để mà kiếm tiền chứ ai đâu mà rảnh/sung túc để mà làm nghệ thuật đúng nghĩa. Nghệ thuật kiếm tiền là phải nắm bắt thị hiếu để mà nắm đầu chúng nó bắt chúng nó nhả tiền ra cho mình lượm. Thế nên Tết đến đến rạp mà xem, dạ chúng nó đi xem phần lớn là vì những lý do khác chứ không phải vì chất lượng hay nghệ thuật gì rồi ạ. Trước khi nói gì xin hãy cân nhắc lại là nước ta giống như vừa mới bắt đầu xây dựng lại đất nước có 35 năm thôi, chưa nói bao nhiêu năm bị cấm vận nữa. Đừng nói tôi bênh nước mình nhá vì sự thật như thế nào tôi không dám nói ra đâu, nhưng phải khách quan.

Có gì không phải thì các bác bỏ qua nhá, vì là ý kiến cá nhân mà đi tranh cãi mà làm gì. Mong BS phản hồi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

huynhnhan

Banned
Ðề: NÓI quan trọng hơn LÀM: yếu tố kịch tính trong phim ảnh

mình cũng thích dạng này. Nhưng làm phức tạp quá coi 1 lần ko hiểu!! như dark night ! coi 1 lần hiểu chết liền!! Nhưng đâu có đâu mà coi lại 2 3 lần!!
Nguyễn Chánh Tín nhờ vai điệp viên này mà được ở lại VN vĩnh viễn!! Nếu ko thì đi Mỹ lâu rồi!!
 
Bên trên