[Tác giả - Tác Phẩm] Niềm đau thần thánh!

alext

New Member
Thiên Đường Đã Mất (Paradise Lost) là một thiên trường ca được viết bởi thi hào John Milton vào thế kỷ 17. Bản in chính thức đầu tiên ra mắt vào năm 1667 với 10 tập sách, tổng cộng trên 10,000 câu thơ. Bản in thứ hai vào năm 1674 được chia thành 12 tập.


miltonx.jpg

Thi hào John Milton (1608-1674)
Nguồn: Wikipedia
Đây là một thiên hùng ca vĩ đại có thể so sánh với Illiad và Odissey của Homer. Paradise Lost mô tả những sự kiện quan trọng trên thiên đường trước khi loài người xuất hiện, tổ tiên loài người Adam và Eva và sự phạm tội của họ dẫn đến sự trục xuất khỏi vườn địa đàng Eden. Nhưng phần lớn cuốn sử thi này tập trung về vị thiên thần nổi loạn Satan, tính cách của vị cựu tổng lãnh thiên thần này và mưu đồ của ông trong tương lai sau khi đã bị thất bại trong cuộc chiến với Thượng đế.

Đây có lẽ là cuốn sách duy nhất mô tả về Satan một cách đầy đủ nhất, rõ ràng nhất và đáng kinh ngạc nhất khi người ta thấy rằng tuy có một vị thế rất quan trọng trong truyền thuyết Thiên Chúa giáo, Satan lại ít được nói đến nhất. Trong bài viết hết sức thiếu sót , tôi sẽ chỉ tập trung vào nhân vật hết sức đặc biệt này, ông hoàng của địa ngục Satan!

Trong cuốn 1, Milton đã mở đầu với cảnh Satan và vị cựu thiên thần đồng thời cũng là chỉ huy phó đoàn quân thiên thần nổi loạn, Beezelbub, đang bàn luận với nhau bên hồ lửa, nơi 2 ông đã bị rơi xuống từ thiên đường. Mở đầu, Satan than thở về tình cảnh bi đát hiện tại sau khi bại trận nhưng ông không hề hối tiếc về sự "đảo chính" bất thành của mình chống lại Thượng đế, hơn nữa ông còn gợi ý rằng có thể tập hợp lại lực lượng để khởi động một cuộc tấn công mới vào thiên đường. Beezelbub thì bi quan hơn, ông sợ rằng sức mạnh của Thượng đế là không thể bị đánh bại. Tuy không thẳng thừng bác bỏ ý nghĩ này nhưng Satan lại cho rằng ông vẫn có thể ít nhất là phá vỡ các toan tính của Thượng đế. Hai vị thiên thần bại trận (từ nay sẽ được gọi là quỷ dữ) sau đó đã sãi cánh bay đến một vùng đất khô ráo cạnh đó. Tại đây, Satan đã tập hợp tàn quân của mình.

satan1o.jpg


Satan, Sin and Death (A Scene from Milton's `Paradise Lost'
Tranh William Hogarth - Nguồn: OntheNet
Các cựu thiên thần đã bay đến tập hợp theo lệnh Satan, trong số này Milton đã nói đến một vài cái tên nổi bật, những thiên thần đã bị xóa tên trên sổ bộ thiên thần trên thiên đường, và một số đông trong họ sau này sẽ trở thành các thần linh trong thời đại con người. Chẳng hạn như Moloch, một vị thần đòi hỏi sự hiến tế nơi con người, hay Belial, một vị thần của nhục dục. Mặc dù bại trận nhưng các thiên thần nổi loạn này vẫn phất cao hàng ngàn lá cờ, khiên và giáo vẫn khua vang lồng lộng. Đó là một khung cảnh kiêu hùng của một đoàn quân dũng cảm cho dù đã thất trận.

Trong khung cảnh này, Satan đã tuyên bố ông vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc chiến đấu mà ông mô tả là cuộc chiến đấu vì tự do ý chí. Ông đã tuyên bố một câu bất hủ với binh đoàn của mình rằng: "Thà làm vua nơi địa ngục còn hơn làm tôi tớ trên thiên đường!" Satan tin rằng trí tuệ tự do của ông cũng vĩ đại như sức mạnh của Thượng đế. Ông nhấn mạnh rằng ý chí của ông sẽ biến địa ngục thành thiên đường, hay nói một cách khác, một thiên đường dưới địa ngục.

Satan bày tỏ với đoàn quân của mình rằng ông thấu hiểu sự đau xót và hổ thẹn của họ khi bị bại trận nhưng ông khuyến khích họ hãy vững tin và đoàn kết để có thể chiến thắng trong cuộc chiến sắp tới. Với những quyền năng của thần linh, đoàn quân quỷ này đã xây dựng trong chớp mắt một ngôi đền nguy nga tráng lệ gọi là Pandemonium (có nghĩa là "tất cả loài quỷ" trong tiếng Hy Lạp), và sau đó hàng ngàn quân quỷ đã tề tựu tại đó trong một hội nghị khoáng đại dưới sự chủ tọa của Satan.

Cuộc hội nghị vô tiền khoáng hậu này có thể gây một sự xúc động lớn lao nơi độc giả. Cứ tưởng tượng hình ảnh một ngôi đền hùng vĩ, bao la chen chúc các nhân vật siêu nhiên, trên cao vị Chúa tể Satan đang đăm chiêu theo dõi cuộc thảo luận, gương mặt đẹp tuyệt vời của ông bừng sáng trong sự phấn khích và lạc quan. Nhân đây cũng nói thêm rằng Satan là vị thiên thần có vẻ đẹp tuyệt vời. Chương Ezekiel trong Cựu Ước viết rằng: "Satan was lifted up because of his beauty, he corrupted the wisdom by reason of his brightness..." Chính vẻ đẹp của ông đã gây cho ông sự tự mãn và hủy hoại sự "khôn ngoan" của ông khi dám chống lại Thượng đế! Chương Revelation cũng viết: "Lucifer was a being "of perfect beauty." He was covered in every precious stone. He had pendants and jewels of gold..." Wow, perfect beauty! Một vẻ đẹp toàn hảo! Trong một đoạn khác: "Lucifer was beautiful before he sinned. An expression of Gods own beauty and power..." Vậy hình thù quái đản, đầu có sừng, 2 răng nanh nhọn hoắt (chả hiểu để làm gì vì Thánh kinh cũng chưa bao giờ tố cáo Satan thích hút máu hay ăn thịt sống!), lại thêm cái đuôi không giống ai... Hình ảnh kinh dị thường được gán cho ông hoàng địa ngục ấy được lấy từ đâu? Hỏi tức là trả lời!

Trở lại cuộc họp khoáng đại, ngoài khung cảnh hùng vĩ người ta không thể không bất ngờ khi nhận thấy một tính cách khác của Satan. Ông cho phép tất cả đều được phát biểu tự do theo suy nghĩ của mình, không hề có bất cứ một sự cấm đoán nào, một điều chưa bao giờ và sẽ không bao giờ xảy ra trên thiên đường!

Khai mạc cuộc hội nghị, Satan đã một lần nữa nhấn mạnh rằng thiên đường không mất và các thiên thần bị đọa (hay còn gọi là quỷ) vẫn có thể vùng dậy mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến sắp tới nếu họ đồng lòng cùng nhau. Sau đó, vị cựu thiên thần Moloch, ông vốn là một chiến binh quả cảm nhất trong cuộc nổi loạn, đã phát biểu ý kiến mở đầu. Ông mong muốn mở lại một mặt trận mới với lực lượng của Thượng đế, lần này đoàn quân nổi loạn sẽ được trang bị thêm những vũ khí của địa ngục. Ông lý luận rằng không có gì, ngay cả sự hủy diệt, có thể tệ hại hơn là địa ngục, do đó đoàn quân quỷ không có gì để mất trong cuộc chiến sắp tới.

Lý luận này bị phản đối bởi Belial. Theo Belial thì thật ra Thượng đế chưa trừng phạt nghiêm khắc đúng mức tất cả bọn họ như ông có thể làm, và điều này sẽ không còn nữa nếu họ mở cuộc tấn công và thất bại lần 2. Ông đề nghị họ có thể sống với những gì đang có, và có thể một ngày nào đó Thượng đế sẽ tha thứ cho họ. Mammon phát biểu kế tiếp mang tính dung hòa với 2 ý kiến trên. Mở đầu, ông tuyên bố không bao giờ quy phục Thượng đế nữa nhưng ông không ủng hộ mở một cuộc chiến tranh mới mà trái lại kêu gọi tất cả các cựu thiên thần hãy cùng nhau làm việc để xây dựng địa ngục. Với sự quyết tâm và cần cù làm việc, họ có thể biến địa ngục thành một vương quốc riêng của họ tương tự như thiên đường, một vương quốc của tự do. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của đa số các cựu thiên thần, và ông đã nhận được sự vỗ tay vang dội.

Im lặng bao trùm khi vị thủ lãnh thứ 2, Beelzebub, bước lên phát biểu. Ông thẳng thừng bác bỏ quan điểm đầu hàng Thượng đế nhưng đề nghị một cách chiến đấu mới hữu hiệu hơn. Ông cho biết theo tin "tình báo", Thượng đế đang thành lập một thế giới mới với một dạng sinh vật mới được gọi là NGƯỜI. Loài sinh vật này sẽ được Thượng đế ưu ái cho nhiều đặc ân hơn là các thiên thần. Beezelbub, với sự đồng ý của thủ lĩnh Satan, rằng các cựu thiên thần nên trả thù bằng cách hủy diệt hay làm suy đồi các sinh vật này. Kế hoạch này được tất cả các cựu thiên thần đồng ý và đầu tiên một binh đoàn trinh sát sẽ được thành lập với nhiệm vụ tìm hiểu về cái thế giới mới này với các sinh vật của nó, và vị Chúa tể Satan sẽ đich thân cầm đầu nhóm trinh sát này...


pan2y.jpg

Đền Pandemonium
Tranh John Martin - Nguồn: Site officiel du musée du Louvre
Trên đây là tóm lược đoạn nói về Satan trong 2 cuốn đầu tiên của bộ Paradise Lost, sự mô tả về vị thiên thần nổi loạn này thật sự đã gây kinh ngạc đối với tất cả mọi người vốn đã nghe, đã đọc đến chán ngấy những điều xấu xa, ghê tởm về Satan.

Trái với sự "tuyên truyền" của triết thuyết thiên chúa giáo, Satan trong Paradise Lost cho thấy ông có các tính cách của một người anh hùng, hay ít nhất, cũng là một nhân vật đáng được xét lại dưới những lăng kính khác.

Câu truyện càng được đào sâu thì người đọc càng cảm nhận được nỗi khát vọng và thất vọng của ông, một thuộc tính rất người; cùng lúc sự mô tả về Thượng đế trong Paradise Lost lại phơi bày một vị thượng đế lạnh lùng và xa cách, điều đó càng làm nổi bật tính cách anh hùng trong nhân vật Satan.

Tiêu chuẩn của một người anh hùng thường được cho là một người tốt can đảm đương đầu với trở lực và dù thắng hay thua vẫn giữ vững niềm tin của mình. Trong cuốn sử thi Paradise Lost, tiêu chuẩn này lại rất trùng hợp với tính cách của Satan. Ngay cả một Thượng đế uy quyền vẫn không được xem là một anh hùng. Thậm chí, ngược lại, Thượng đế là nhân vật nổi bật nhất mang tính cách phản-anh hùng (anti-heroic). Một quan điểm như thế quả là một cú "shock" với những người theo quan điểm tôn giáo truyền thống. Theo sự mô tả của Milton, người ta có cảm giác Thượng đế không hề có ý muốn tạo cảm tình nơi bất cứ ai cả, không những với kẻ thù mà ngay cả với các thuộc hạ của mình. Ông xuất hiện với hình ảnh một nhà độc tài tuyệt đối, công việc của ông hết sức đơn giản, ban ân sủng cho ai theo ý ông và trừng phạt ai chống lại; hình phạt đôi khi mang tính cách quá tàn nhẫn như trận Đại Hồng Thủy được ghi trong Cựu Ước. Trong Paradise Lost, Thượng đế tự đặt ra luật lệ, ông không cần phải chứng minh hay giải thích luật lệ của ông với ai cả, điều đó hàm nghĩa rằng luật lệ ấy là cao nhất chỉ vì nó được ông nói ra. Dù có nhìn dưới bất cứ góc độ nào thì Thượng đế hoàn toàn không mang tính cách của một người anh hùng!

Hơn thế nữa, Thượng đế cũng tạo ra cho người đọc cái cảm giác ông không suy nghĩ, mà tại sao ông lại cần suy nghĩ khi không có gì, không có ai dám ngăn trở ông cho dù là ngăn trở bằng lời nói. Ngay cả cuộc nổi loạn của một trong những vị thiên thần cao cấp nhất của ông cũng không làm ông bận tâm để suy nghĩ. Satan nổi loạn là xấu, là thèm muốn chiếm ngôi của ông... Lý do ấy đã đủ đối với ông. Vị Chúa tể của muôn loài không hề có một thắc mắc gì, ý tưởng gì...Người ta không thể không tự hỏi vậy thì ông sáng tạo thế giới, sáng tạo con người để làm gì? Phải chăng ông sáng tạo ra con người chỉ để làm trò chơi? Thật là cay đắng khi chúng ta có mặt trên đời chỉ để là một hình nộm múa may cho Thượng đế mua vui trên Thiên đường buồn tẻ và đơn điệu!


nipzz.jpg

Satan on Mountain Niphates, from here he views the whole of Eden
Nguồn: Bloggang.com

Một tính cách khác khẳng định anh hùng tính nơi Satan là mặc dù đã thất bại nhưng ông vẫn nhất quyết đi tìm câu trả lời. Ông hoàn toàn nhận thức được tình cảnh của mình nhưng chính ông đã tuyên bố: "Better to reign in hell than serve in heaven” (Book I, l. 263). Ông không đầu hàng hoàn cảnh và vẫn hiên ngang tiến bước, đó là tính cách của một vị anh hùng!

Là một vị chúa tể vương quốc địa ngục, sự cai trị của ông là một hình mẫu của sự bình đẳng và minh bạch. Trong cuốn 2 Paradise Lost, Satan đã tập hợp đoàn quân thiên thần của ông trong một diễn đàn, trong đó họ có thể nghe những ý kiến khác và cùng ông vạch định một chính sách chống lại Thượng đế. Ông kêu gọi mọi thiên thần hãy phát biểu, “By what best way…,Whether of open war or covert guile..., We now debate..., Who can advise, may speak” (Book II, ll. 40-42). Nhiều thiên thần đã lên tiếng và chiến lược cuối cùng đã được biểu quyết tập thể chứ không phải bằng lệnh của Satan).

Liệu tôi có sai không khi cho rằng Satan là một con người của dân chủ! Người ta ghi nhận rằng Satan không ép buộc, không ra lệnh cho bất cứ thuộc hạ nào thi hành ý tưởng của ông chỉ vì đó là ý tưởng của ông. Tư cách lãnh đạo của Satan đã được các thiên thần nổi loạn kính phục, “Towards him they bend..., With awful reverence prone…, Extol him equal to the highest in heaven” (Book II, ll. 477-479). Một sự kiện được kể đến trong Paradise Lost, khi bay đi trong sứ mạng tìm hiểu về thế giới mới, Satan đã ngừng lại trên đỉnh Mt.Niphates để suy tư, để nhận định lại hoàn cảnh hiện tại của mình. Ông nhận thức được vị thế khó khăn của mình nhưng như một người anh hùng đích thực, ông vẫn tiến tới, “So farewell hope, and with hope farewell fear..., Farewell remorse: all good to me is lost” (Book IV, ll).


bookun.jpg

Paradife Loft
Nguồn: Wikipedia
Satan trong Paradise Lost là một vị anh hùng vì ông mang nặng nỗi đau miên viễn của sự bất khả nhưng ông vẫn tiếp tục chiến đấu cho những điều mà ông tin. Người ta không cần phải đồng ý với kế hoạch trả thù của ông để ngưỡng mộ ông. Người anh hùng phải là người kiên trì đương đầu với thách thức, là người dám đào sâu vào bản chất sự tồn tại của chính mình, cho dù quá trình đó có đáng sợ và nguy hiểm cách mấy. Người anh hùng là người nhận thấy sự liều lỉnh trong quyết định của mình và dù vậy vẫn cương quyết hành động.

Sự chiến đấu và mục đích của Satan có thể sai, có thể đúng, nhưng theo quan điểm Hanartia của Aristotle, điều đó vẫn không làm thay đổi bản chất của Satan. Một anh hùng đích thực là người có ý chí và có khả năng thấu hiểu những phức tạp của số mạng con người và tuy vậy vẫn chiến đấu vì điều đó bất chấp những trở lực hiểm nguy trên con đường đi tìm chân lý. Satan, ông hoàng của địa ngục, là một người anh hùng như vậy.
 
Bên trên