[Thơ] Sắm tết

conghieu1978

Moderator
congminh2007-conghieu1978

Chưa có năm nào như năm nay
Vật giá leo thang chóng mặt mày
Tết đến lẽ nào không sắm tết
Chờ lương, vét túi, lại đi vay.


Chưa có năm nào như năm nay
Ra đường khiếp sợ đến xanh mày
Xe nổ, tự cháy vì xăng bẩn
Thực phẩm ăn vào người như say.

Chưa có năm nào như năm nay
Bỗng dưng thưởng tết một cục dày
Được hơn triệu mốt vui hơn tết
Chưa có năm nào như năm nay.:))
 
Chỉnh sửa lần cuối:

vietthuong

Well-Known Member
Ðề: Sắm tết

Chưa có năm nào như năm nay,
Tiền không, túi rổng ... tết 9 ngày.
Thơ thẩn, vào ra, sao lại tết?
Thôi thế, HD suốt cả ngày!

Chưa có năm nào như năm nay.
Lên cao, cao mãi vé máy bay!
Thôi ngắm chim trời trông mong tết
Nổi nhớ quê nhà, hãy ngủ say!

Chưa có năm nào ... như năm nay.
Của khó, người khôn, đảo điên thay!
Có được tí tiền ta tiêu tết
Thực tâm, thành khẩn ... tết ăn chay!
 

conghieu1978

Moderator
CHỢ TẾT…

Năm hết Tết đến, một trong những nỗi lo của các chị, các mẹ là sắm sửa, chuẩn bị Tết. Có nhiều thứ để sắm Tết, chuẩn bị Tết. Đã sắm Tết, phải đi chợ Tết. Đặc biệt, đi chợ Tết, với nhiều người, không chỉ đơn thuần để mua sắm. Đi chợ Tết còn là thú vui và là một cách thưởng thức hương vị Tết, không khí Tết!
Hàng năm, những phiên chợ được gọi là những phiên chợ Tết được họp khoảng hai lăm đến ba mươi tháng chạp âm lịch. Đây là thời điểm người ta đổ xô đi chợ Tết. Khung cảnh nhiều khi rất náo nhiệt. Nói về chợ Tết, trong bài thơ nổi tiếng “Chợ Tết”, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã mô tả hình ảnh khá sinh động ấy như sau “…Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,/ Vài cụ gìa chống gậy bước lom khom,/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”. Có thể nói, đó là lúc những phiên chợ thật sự thay da đổi thịt. Chợ quê bình thường là vậy nhưng bỗng chốc như chuyển mình, khoác lên những bộ áo mới tinh, đầy màu sắc. Hàng hóa, sản phẩm khoe sắc, tươi tắn hơn, rực rỡ hơn. Cũng phải thôi, chợ Tết phải khác với chợ ngày thường không chỉ ở hàng hoá tràn ngập mà còn xuất hiện một số mặt hàng chỉ bán vào dịp Tết nguyên đán hàng năm. Ngày xưa, mặt hàng được bày bán khá nhiều là các loại pháo Tết, rồi đến tranh ảnh, câu đối, rồi mới đến phong bì dùng để đựng tiền lì xì, lá chuối để gói bánh tét, chưa kể các loại bánh mứt với đủ màu sắc sặc sỡ, các loại hoa Tết, cây cảnh Tết… Riêng hàng áo quần, vàng mã, mắm muối, chiếu cói, đường bát, gạo nếp ở nhiều chợ lớn như chợ Thu Bồn, chợ Bàn Thạch, chợ Tam Kỳ, chợ Hội An… đầy dẫy. Nhưng, hai chín, ba mươi Tết, đông nhất là quầy hàng thịt. Bởi vì, dù giàu nghèo, sang hèn, ba ngày Tết phải có thịt. Tết, không có thịt thì không ra Tết. Mới có câu:“Số anh không giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”.

Cùng với hàng hoá, cứ càng gần đến ngày ba mươi, người đi chợ Tết mỗi ngày một đông hơn, vui nhộn hơn. Kẻ mua vài chiếc chiếu mới, đôi cặp đường làm bánh Tết, vài mét vải may quần áo mới, người bán mấy buồng chuối cau thật đẹp, vài con gà trống thiến… Tiếng cười nói, chào hỏi cứ râm ran, khiến làng quê như sôi động hẳn lên. Người dân quê xưa nghèo, kiếm được đồng tiền bát gạo không phải chuyện dễ. Thế nhưng, năm hết Tết đến nên khi đi chợ Tết, nếu gặp sản phẩm ưng ý, lắm lúc người ta không còn mặc cả như ngày thường. Chủ yếu họ tìm mua những món hàng, những đồ ăn, thức uống ưng ý, hợp túi tiền, về bày biện trang trí cho ngôi nhà trong mấy ngày Tết cổ truyền, hay để cả gia đình thưởng thức trong những ngày đầu năm mới đầy thiêng liêng và trân trọng. Cũng trong những ngày giáp Tết âm lịch hàng năm, các bến sông ở gần các khu chợ cũng tấp nập không kém. Bến nào bến nấy ghe thuyền đậu san sát, tấp nập người lên, kẻ xuống. Nhiều bến sông ở các chợ lớn thu hút mười lăm, hai mươi chiếc thuyền buôn lớn nhỏ cập bến. Nào ghe Hội An, Bàn Thạch, Trung Phước, Dùi Chiêng, Thu Bồn... Khung cảnh ở các bến sông nhộn nhịp. Chỗ này, mấy người phu khuân vác lúi húi chuyển hàng hoá lên chợ, chỗ kia, lại chuyển hàng từ trên chợ xuống thuyền. Tiếng gọi nhau í ới hoà với tiếng cười đùa, thỉnh thoảng, lại có tiếng pháo tép nổ đì đẹt, góp phần làm không khí Tết càng thêm rộn ràng, khẩn trương.

Năm nào cũng vậy, chợ Tết lên đỉnh điểm từ 29 đến 30 tháng chạp. Người đi chợ cứ chen chúc và hàng hoá cũng phong phú, đa dạng hơn. Nó nhiều đến mức tràn ra ngoài đường, với nhiều gam màu tươi tắn, hấp dẫn. Và, kể cũng lạ, đến lúc này, người ta đến chợ không chỉ để sắm Tết mà còn để thoả mãn cái thú đi “ngắm” chợ Tết. Vâng, ăn Tết, không chỉ gói gọn trong nghĩa đen của chữ “ăn” trần tục. Người Việt từ xa xưa quan niệm ăn Tết rất rộng. Ăn Tết còn là dịp để thưởng thức hương vị Tết. Mà hương vị Tết gồm nhiều thứ. Trong đó, đi chợ Tết cũng là một cách “ăn” Tết. Nghĩa là muốn ngắm thiên hạ mua sắm Tết, chiêm ngưỡng những mặt hàng Tết. Đặc biệt, khi mua một món hàng Tết vừa rẻ, vừa ưng ý thì cái thú vị tăng gấp nhiều lần. Cho nên, không ít người quan niệm đó là một cái thú: Thú đi chợ Tết. Cho nên, chợ Tết không chỉ có các bà, các mẹ mà càng gần giáp Tết, có không ít “khách hàng” là nam giới. Rồi, có cả thanh niên nam nữ, các ông cụ bà cụ lẫn bé trai, bé gái… Có thể nói, bấy giờ, chợ Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung có sức hút kỳ lạ. Người ta háo hức đi chợ Tết để xem thử chợ Tết năm nay có gì khác với chợ Tết mọi năm. Nắng đi đã đành nhưng lắm khi trời mưa tầm tã cũng mang tơi, đội nón mà đi. Đi để ngắm, và cũng là dịp để người ta bình phẩm những mặt hàng, những sản phẩm độc đáo, mới lạ, nổi bật qua những phiên chợ Tết.
Cho nên, có thể nói, ngày Tết nói chung và những phiên chợ Tết nói riêng mang dấu ấn rất rõ nét trong tâm tưởng, trong sinh hoạt tinh thần của người Việt. Cho nên, học giả Phạm Quỳnh trong bài viết “Tâm lý ngày Tết” cho rằng chữ Tết là một chữ có ý nghĩa rất màu nhiệm vì nó chất chứa “…biết bao niềm vui mừng của cả một dân tộc vô tư vui vẻ, cứ mỗi năm, đến kỳ xuân tới là quên cả hết thẩy những nỗi lo lắng khó khăn của năm cũ để sẵn sàng hoan hỷ bước vào năm mới với chứa chan hy vọng”1. Và, đi chợ Tết, trên mặt nhất định nào đó, cũng giúp con người tạm thời quên đi những nỗi lo, sự phiền muộn vốn có ở đời thường để thưởng thức cái thú ngắm thiên hạ đua nhau sắm Tết, mua sắm Tết, khung cảnh tất bật của những ngày giáp Tết cổ truyền. Ngày nay, sau bao vật đổi sao dời, đời sống được cải thiện, chợ Tết ở quê hay ở phố cũng khác xưa nhiều. Mặc dù không còn pháo Tết, hiếm gặp câu đối đỏ mang đậm màu sắc văn hoá truyền thống Tết của người Việt, cũng không có hàng chục chiếc ghe đậu san sát ở bến sông… nhưng những phiên chợ Tết, nhất là chợ Tết ở quê, vẫn lôi cuốn, hấp dẫn bội phần. Bởi cái thú đi chợ Tết để mua sắm Tết, hoặc đơn thuần chỉ để thưởng ngoạn khung cảnh náo nhiệt của những ngày cuối năm đã ăn sâu vào tâm thức của mọi người, nhất là các mẹ, các chị... Và, có thể nói đi chợ Tết, hay nói khác hơn thú đi chợ Tết nhằm thưởng thức không khí náo nhiệt rõ ràng là một nét văn hoá độc đáo của người Quảng nói riêng và người Việt nói chung.

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT
 
Bên trên