Trung Quốc và những sóng gió trong thế giới công nghệ năm 2019

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, văn hóa làm việc "996", bê bối của TikTok... là những điểm nổi bật nhất trong thế giới công nghệ tại Trung Quốc năm qua.

2019 là một năm đầy căng thẳng giữa hai cường quốc công nghệ Mỹ và Trung Quốc. Giữa tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ lập danh sách đen, hạn chế các công ty Trung Quốc giao dịch cũng như sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ nếu không được cấp phép.

Danh sách này bao gồm hơn 100 công ty Trung Quốc như gã khổng lồ viễn thông Huawei, nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision và Dahua cùng với một số startup về trí tuệ nhân tạo (AI) như SenseTime hay Megvii.


Huawei hứng chịu nhiều thiệt hại trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: CNN.

Huawei hứng đạn

Huawei bị xem là tâm điểm trong trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Tập đoàn của ông Nhậm Chính Phi mất quyền tiếp cận các bản cập nhật hệ điều hành Android. Smartphone của hãng cũng không thể truy cập Google Play, Gmail hay YouTube.

Ngoài ra, các hãng như Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đều phải ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei theo lệnh của chính phủ Mỹ.

Phản ứng lại, Trung Quốc tuyên bố lập danh sách các công ty nước ngoài "không đáng tin cậy". Bộ Thương mại Trung Quốc nước này cho biết danh sách gồm các công ty, cá nhân và tổ chức nước ngoài "không tuân thủ quy tắc thị trường, vi phạm tinh thần hợp đồng, phong tỏa và ngừng cung cấp cho các công ty Trung Quốc với lý do phi thương mại, làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc".

Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei, bị bắt giam tại Vancouver (Canada) từ năm 2018 theo yêu cầu từ phía Mỹ. Hiện, bà Mạnh đang bị quản thúc tại gia ở Vancouver và chờ phiên tòa xét xử việc dẫn độ sang Mỹ.


Huawei giới thiệu hệ điều hành Harmony của riêng hãng tại sự kiện HDC 2019. Ảnh: Gearbest.

Do đó, hàng loạt công ty Trung Quốc buộc phải tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Huawei ra mắt hệ điều hành riêng của hãng với tên gọi Harmony như một giải pháp thay thế Android.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng giới thiệu con chip AI. Đây cũng là động thái nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ của Alibaba.

TikTok vi phạm quyền riêng tư

TikTok, ứng dụng chia sẻ video ngắn, trở thành một hiện tượng toàn cầu kể từ khi ra mắt vào năm 2017. Ứng dụng này thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc).

Theo App Annie, đây là ứng dụng được tải xuống nhiều thứ 7 kể từ năm 2010.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của TikTok khiến cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia lo ngại. Trong năm 2019, TikTok vướng phải hàng loạt lùm xùm liên quan đến quyền riêng tư của người dùng và các nội dung có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.

Trong năm, chính quyền Mỹ mở cuộc điều tra vụ ByteDance mua ứng dụng Musical.ly với giá 1 tỷ USD. Quân đội Mỹ cấm binh sĩ cài TikTok trên điện thoại.


Sau Huawei, TikTok bị chính quyền Mỹ điều tra. Ảnh: SCMP.

Tháng 12, quân đội Mỹ tuyên bố đang điều tra cách xử lý dữ liệu người dùng của TikTok theo yêu cầu từ Thượng nghị sĩ Chuck Schumer.

Theo Business Insider, vụ kiện được đưa lên tòa án California (Mỹ) với cáo buộc TikTok đánh cắp dữ liệu người dùng và gửi đến các máy chủ tại Trung Quốc.

Vương quốc Anh cũng điều tra nghi vấn TikTok thu thập thông tin cá nhân và vi phạm quyền an toàn của trẻ em.

Thương mại hóa 5G

Theo SCMP, công nghệ viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) cho phép truyền dữ liệu với tốc độ nhanh hơn khoảng 20 lần so với các tiêu chuẩn hiện có. Nó cũng được coi là công nghệ quan trọng trong quá trình tạo ra hệ sinh thái IoT.

Cả 3 nhà mạng lớn nhất Trung Quốc đều đã triển khai thành công dịch vụ thuê bao 5G. Đây là nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.

Huawei là công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất trong lĩnh vực 5G. Tuy nhiên, tại thị trường thế giới, hãng này liên tục gặp khó khăn khi bị Mỹ quay lưng.


5G là công nghệ quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái IoT. Ảnh: SCMP.

Tuần trước, Telefonica Deutschland, nhà mạng lớn thứ hai tại Đức, vừa công bố lựa chọn Huawei và Nokia là nhà cung cấp thiết bị 5G. Trước đó, nhà mạng lớn nhất Đức là Deutsche Telekom cho biết không lựa chọn thiết bị của Huawei vì những vấn đề liên quan đến chính trị.

Huawei sẽ phải chờ chính quyền Đức thông qua bộ tiêu chuẩn bảo mật cho các thiết bị 5G. Bộ tiêu chuẩn này đang được xây dựng.

Các quan chức an ninh có thể sẽ yêu cầu chính quyền Đức thắt chặt quy chuẩn bảo mật, qua đó ngăn cản Huawei cung cấp thiết bị viễn thông cho các doanh nghiệp Đức.

Văn hóa làm việc "996"

Trong năm 2019, các công ty công nghệ Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến bộ lớn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, điều này đạt được đến từ việc hy sinh cuộc sống cá nhân của nhân viên với văn hóa làm việc "996".

Nó là cách người Trung Quốc gọi lịch làm việc 12 giờ/ngày (từ 9h sáng đến 9h tối), 6 ngày/tuần.

Còn trẻ mà không làm theo lịch '996' thì bao giờ mới làm? Các bạn nghĩ không phải làm việc vất vả mới là cái đáng khoe à? Nếu không đầu tư thời gian, năng lượng nhiều hơn người khác, làm sao có thể đạt được thành công”, tỷ phú Jack Ma nói trong một cuộc họp nội bộ của Alibaba vào tháng 4.

Tuy nhiên, lời khẳng định của Jack Ma đã nhận phải nhiều chỉ trích từ dân cư mạng Trung Quốc. Họ cho rằng đây là giọng điệu của kẻ bóc lột sức lao động nhân viên.

Lại một lần nữa nói về cống hiến nhưng không nhắc gì đến lương thưởng. Đây đúng là giọng của những người thích bóc lột”, một người bình luận phía dưới bài viết của Jack Ma.


Tỷ phú Jack Ma bị phản đối vì ủng hộ văn hóa làm việc 996. Ảnh: xinhua.

Theo Technode, hôm 22/4 một cư dân mạng trên web GitHub kêu gọi những người bất đồng quan điểm với văn hóa làm việc “996” tham gia vào chiến dịch phản đối tỷ phú Jack Ma bằng cách gửi bản sao chính thức của Luật lao động Trung Quốc tới trụ sở tập đoàn Alibaba.

Vào tháng 3, một nhóm lập trình viên giấu tên cũng sử dụng nền tảng GitHub để phản đối lịch làm việc 996. Họ lập danh sách những công ty không trả tiền làm thêm giờ dưới dạng mã phần mềm và gửi văn bản tố cáo tới các tổ chức địa phương.

Jack Ma và một số CEO nổi tiếng khác như Elon Musk và Jeff Bezos ủng hộ làm việc trong nhiều giờ. Trong khi đó, xu hướng trên toàn thế giới là rút ngắn thời gian làm việc hàng ngày.

Năm 2017, Thụy Điển đã thử nghiệm cho công dân làm việc 30 giờ/tuần. Kết quả ban đầu cho thấy người lao động hạnh phúc hơn và ít căng thẳng hơn. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng việc rút ngắn thời gian làm việc sẽ dẫn đến năng suất cao hơn.

Xu hướng mới của thương mại điện tử

Bất chấp những cảnh báo về tình trạng chậm tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử, Mỹ và Trung Quốc vẫn là những thị trường tiêu dùng sôi động nhất thế giới.

Người dùng tại các thành phố nhỏ của Trung Quốc đã khiến doanh thu Ngày độc thân (11/11) của các trang thương mại điện tử đạt kỷ lục với mức 38,4 tỷ USD.

Trong khi đó, người dùng tại Mỹ vào 2 ngày Black Friday và Cyber Monday cũng đã chi 17 tỷ USD để mua sắm trực tuyến. Đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử.

Việc tiếp thị bằng phương pháp phát trực tiếp đang trở thành một giải pháp hiệu quả mới cho lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc. Tại các thành phố có quy mô nhỏ, mức tăng trưởng đang nhanh hơn so với những đô thị lớn.

Theo Zing
 

taynguyendie

Well-Known Member
Có người làm 1 giờ bằng người khác làm cả đời. Khi được hỏi thì anh ấy trả lời: “Còn trẻ mà không làm theo lịch '996' thì bao giờ mới làm? Các bạn nghĩ không phải làm việc vất vả mới là cái đáng khoe à? Nếu không đầu tư thời gian, năng lượng nhiều hơn người khác, làm sao có thể đạt được thành công:D
 
Bên trên