Life of Pi - một bộ phim nghệ thuật quá đẹp, quá ý nghĩa

mr zenda

New Member
Ðề: Life of Pi - một bộ phim nghệ thuật quá đẹp, quá ý nghĩa

Góc quay và màu sắc có vẻ đẹp đấy, để đi xem thử :D
 

hucek

Active Member
Ðề: Life of Pi - một bộ phim nghệ thuật quá đẹp, quá ý nghĩa

Hôm nọ ra rạp xem Breaking Dawn Part 2 cũng thấy poster phim này và cũng mới chỉ có ý định là sẽ xem thôi. Giờ đọc bài này thì càng quyết tâm, thứ 7 hoặc CN này phải xem mới đc. Cám ơn các bác!
 

supham

Member
Ðề: Life of Pi - một bộ phim nghệ thuật quá đẹp, quá ý nghĩa

Hic hic, vùng sâu vùng xa, chỉ chờ có link là kéo. Làm dân vùng sâu vùng xa thiếu thốn thế đấy.
 

Dimn_imass

New Member
Ðề: Life of Pi - một bộ phim nghệ thuật quá đẹp, quá ý nghĩa

Em cũng vửa đi xem về xong, thật là unbelievable , incredible !!
 

[IVAN]

New Member
Ðề: Life of Pi - một bộ phim nghệ thuật quá đẹp, quá ý nghĩa

Mới xem về, tạm chấp nhận chứ nói xuất sắc thì cũng không đúng, heee
 

guile

Member
Life of Pi – Một cuộc đời, một hành trình.

Life of Pi – Một cuộc đời, một hành trình.
Trước khi xem Life of Pi mình đã được giới thiệu đây là 1 bộ phim “đẹp”, cả về hình thức lẫn nội dung. Quả thật khi xem phim mình thấy các hình ảnh rất đẹp, những cảnh giữa biển thật tuyệt vời, hoành tráng khi giông bão, lung linh khi về đêm, có những khung cảnh đẹp mê li, góc quay đẹp. Nhạc nền rất tương xứng với hình ảnh, lúc êm dịu khi réo rắt lúc dồn dập. Cốt truyện thì rất rất rất sâu sắc và nhiều tầng ý nghĩa. Các bình luận của phim các bạn có thể tìm đầy các trang báo về độ đẹp, khủng, hay v.v…riêng mình chỉ phân tích về ý nghĩa của câu chuyện mà bác Lý An muốn truyền tải, không phải tự dưng lão í từng được giải Oscar vì lão này có cách kể truyện rất hay giống Hemingway vậy đó, lão thích kể truyện theo thủ pháp “tảng băng trôi”, những gì bạn nhìn thấy chỉ là 10-20% của đỉnh tảng băng, phần còn lại bạn phải lặn xuống mà tự xem thôi. Theo mình phim có 3 tầng ý nghĩa hoặc 3 cách nhìn khác nhau tùy vào khán giả đã có những trải nghiệm gì trong cuộc sống. À, mà do mình phân tích hơi kĩ nên ai chưa xem phim đừng đọc nhé.

Tầng ý nghĩa thứ nhất – Khán giả thông thường - xem để giải trí: Rất dễ nhận ra, cuộc chiến sinh tồn trên biển của Pi cho thấy chỉ cần có tình yêu, ý chí và hi vọng bạn có thể vượt qua tất cả cho dù đó là 1 mình trên biển đầy hiểm nguy, nào giông bão, nào đói khát và cả 1 con hổ đồng hành lúc nào cũng chực măm măm mình nữa chớ nhưng nhờ tình yêu thương và tính kiên trì của Pi mà con hổ được thuần hóa và cùng Pi vượt qua bao hiểm nguy để trở về được đất liền. Và cho đến cuối phim nếu ai tinh ý xíu thì biết câu chuyện này….”hổng có thiệt”, chuyện thiệt nó hơi bi thảm xíu. Mình nghĩ chắc cũng kha khá khán giả vượt qua tầng 1 này dễ dàng.

Tầng ý nghĩa thứ hai – Khán giả sâu sắc - xem để suy ngẫm: Mình nghĩ những người từng trải sẽ thấy cả cuộc đời của mình trong phim. Pi lớn lên với những bài học sống còn của cha, những câu hỏi của tôn giáo về ý nghĩa cuộc đời và Thượng đế và khi đến tuổi trưởng thành chàng cũng yêu như mọi người khác và vì cuộc sống, chàng bắt đầu “ra khơi” cùng gia đình. Theo mình việc cả nhà Pi lên thuyền “ra khơi” tìm vùng đất mới mang nhiều ý nghĩa, nếu bạn từng là “người nhà quê” bạn sẽ thấy ngay cảnh cả gia đình cùng lên thành phố “tìm vùng đất mới” để phát triển là ra sao, hay bạn và cả gia đình “di cư” sang Mỹ, Úc, Canada v.v…để tìm “thiên đường”, việc này tự nó mang ý nghĩa là Pi bắt đầu “lập nghiệp”, “ra đời” cùng gia đình hay như các bác doanh nhân hay nói bóng gió là “căng buồm ra khơi câu cá lớn” nhưng “đời không như là mơ” mới “khởi nghiệp” là bị “sóng gió” cuộc đời đánh tan tác, theo đúng nghĩa là “tán gia, bại sản, gia đình li tán”, có bao nhiêu người đã trải qua cảnh này mà xem phim suy nghĩ về mình chắc ứa cả nước mắt cho chính mình, một chàng thanh niên đầy hoài bão, ôm chí lớn mới ra đời bị dập 1 trận không còn gì cả. À mà không đúng, chàng còn 1 cái bè cứu sinh cùng 5 con vật: ngựa vằn què, linh cẩu đói, tinh tinh u sầu, chuột cống và con hổ dữ. Trong cuộc sống cũng vậy, bao quanh ta luôn có: người xấu, kẻ tốt và kẻ uyển chuyển. Và cũng như trong đời thực: kẻ tốt không làm hại ai mà còn yếu đuối nhất thường bị “hạ” trước, kẻ tốt biết vùng vẫy có khi hạ được “kẻ xấu” trong chốc lát nhưng rồi cũng bị nó “lôi xuống” rồi ngoạm cổ mà thôi. Điều này rất dễ thấy trong công ty doanh nghiệp, người hiền lành nhút nhát thường bị đem ra làm tốt thí, kẻ an phận cho dù có tránh né cỡ nào thì khi cần vẫn bị “trảm” như thường, con linh cẩu chính là đại diện cho những kẻ tham lam ra mặt mà ta thường thấy trong cuộc đời này. Tuy nhiên, trùm cuối vẫn là anh hổ tượng trưng cho “uy quyền”, cho dù “linh cẩu” có gian manh tới mấy thì “uy quyền” chỉ cần tát 1 phát là xong. Nhìn ra xã hội, thì con hổ chính là tượng trưng cho những kẻ có “quyền lực” là vậy. Quay lại với chàng Pi đáng thương mặc dù đã cố hết sức nhưng chàng không cứu được những kẻ “hiền lành” kia mà có lúc để cứu mạng mình chàng phải “hi sinh” con chuột, tượng trưng cho những kẻ biết “nấp, né, lươn lẹo” sống tới phút cuối rồi cũng bị “uy quyền” ăn tươi mà thôi. Vậy chàng Pi lúc này còn những gì? Một bè cứu sinh, 1 sách hướng dẫn sinh tồn, mấy chục lon nước và thực phẩm khô và 1 con hổ. Mình nghĩ chắc đây chính là tình thế của các doanh nghiệp thời kinh tế suy thoái: bấp bên, cạn “vốn”, không còn ai giúp, “uy quyền” luôn rình rập để “kết liễu”. Bạn thấy quen không? Bắt đầu hành trình bươn chải nào, Pi nhận định là: “mỗi ngày anh “uy quyền” cần 5kg thịt nên cố mà kiếm cho ảnh không thì ảnh đói quá là mình đi đứt”, thế nên như những doanh nhân non trẻ khác, anh đi “câu cá” với những gì mình có trong tay….mấy mẩu bánh quy, “nguồn vốn” ít ỏi còn lại và quyển sách sinh tồn của ảnh, mà theo mình chính là những cuốn sách dạy làm giàu đang nhan nhản ngoài các hiệu sách và trên toàn thế giới: “Dạy con làm giàu”, “7 bước thành đạt”, “Làm sao để doanh nghiệp sống sót” v.v..và v.v… và quả thật “biển thì đầy cá” có điều bạn có câu được không? Đoạn này làm mình nhớ trường đoạn nổi tiếng của Hemingway với ông lão đánh cá và đàn cá mập, tuy 2 truyện nhưng cùng 1 ý nghĩa, bạn đi “câu cá” thì bên dưới đàn cá cũng đang “câu” bạn, chỉ cần sảy chân là cá mập táp liền. Cũng như thương trường, cá cơm thì ít mà cá mập thì nhiều, Pi cũng khá là vất vả trong việc “bươn chải” nhưng có lẽ anh ta đã gặp may khi có 1 con “cá mụp” (hổng phải cá mập nha) tự dưng chui vào lưới và thế là “cúng” cả con cho anh hai hổ, chậc làm kinh doanh thì khổ thế đấy ha ha ha cho dù lâu lâu “trúng mánh” thì cũng phải cúng hết cho các anh nhá.
Có lúc con hổ nó đói, nó nhảy xuống biển bắt cá nhưng khổ cái là quen “ăn sẵn” rồi nên làm sao bắt được thế là bơi tõm tõm ngoài biển lúc này anh Pi mới đấu tranh tư tưởng, cứu hay không cứu? Việc này làm mình nhớ tới các bác hay nói về việc nhà nước và doanh nghiệp đang trên 1 chiếc thuyền, phải cùng nhau chống chọi sóng gió ha ha ha ha. Và dĩ nhiên với tấm lòng đôn hậu anh Pi đã cứu anh hổ và bắt đầu quá trình “đàm phán” để cả 2 có thể cùng sống.
Lúc này, Pi bắt đầu “trải đời” hơn, cho “hổ ăn” nhưng có điều kiện và phân chia “lãnh thổ” hay giới hạn của 2 bên. Trong đời thực, lúc này chính là sự phát triển của doanh nghiệp cộng sinh cùng “quyền lực” và Pi đã biết “đàm phán”, “doanh nghiệp” đã bắt đầu lớn lên. Cho nên khi đàn cá chuồn chuồn lao tới cùng 1 con cá mụp (hổng phải cá mập nha) thì lần này Pi cướp con cá mụp và để lại cho anh hổ 1 đàn cá chuồn ka ka ka. Những tưởng đã yên chuyện ai dè sóng gió lại 1 lần nữa ập đến.
Kế đến là trường đoạn khi cơn bão kéo đến vùi dập, lần đầu khi cùng gia đình gặp “bão” Pi vẫn còn phấn khích lắm vì “chim non” mới ra ràng mà nên vẫn còn cầu “mưa to gió lớn” nhưng khi cả cái tàu cùng gia đình chìm xuống đáy biển thì chỉ biết khóc mà thôi nhưng lần này thì khác, Pi gào lên giữa biển: “Thượng đế ơi, ngày lấy đi cả gia đình tôi, lấy tất cả những gì thuộc về tôi ,ngài còn muốn gì nữa?”. Có ai kinh doanh mà không từng gặp qua tình cảnh này? Khởi nghiệp ->sụp hầm->đứng lên làm lại->sụp hố…chỉ muốn hỏi ông trời: WTF? Không phải chỉ trong kinh doanh mà ngay trong cuộc sống cũng vậy. Ai từng trải mà chẳng phải gặp qua thảm cảnh này.
Tuy nhiên, qua cơn mưa trời lại sáng, Pi cùng anh hổ lạc vào 1 hòn đảo được coi là thiên đường cho cả 2, có nước ngọt, có rau tươi, củ ngon, có cả hàng vạn con chồn kermit đứng im cho con hổ nó ăn. Những tưởng cuộc đời khốn khổ của “doanh nghiệp” Pi đã lên đỉnh nhưng không phải thế, khi đêm về hòn đảo trở thành nơi “chôn thân” của muôn loài vì nó có tên là đảo ăn thịt, và nếu ai tinh ý thì hòn đảo này hình một con người đang nằm há miệng. Mình nghĩ ý nghĩa của trường đoạn này chính là trong cuộc đời hoặc trong kinh doanh bạn sẽ gặp những trường hợp rất “ngon ăn” nhưng có những “nguy hiểm ngầm” mà khi bạn phát hiện ra có khi là bạn chỉ còn “cái răng” mà thôi, có khi đó là “mafia rửa tiền”, “kinh doanh đa cấp dạng lừa đảo” (phải phân biệt với kinh doanh đa cấp đàng hoàng), “cho vay lãi suất cao”, “anh có phi vụ này ngon, dự án bảo đảm lãi 100%” v.v…Mà anh hổ “quyền lực” là anh í nhạy lắm nha, sáng ảnh ăn no phè phỡn vậy chứ chiều về ảnh lên xuồng nằm ngủ, ảnh “thính” lắm à. Do đó, Pi quyết định “gom của” rồi chạy lấy người.
Phân đoạn sau cùng khi sức cùng lực kiệt, Pi hổng còn gì ráo, kể cả sức lực thì tới được bến là anh hổ ảnh bỏ đi 1 nước không thèm quay lại “cám ơn” được 1 câu nữa là ka ka ka. Đúng đời luôn! Nhưng nhờ thoát khỏi anh hổ mà sau này Pi có 1 cuộc sống đàng hoàng với 1 vợ 2 con đúng chuẩn gia đình văn hóa.

Tầng ý nghĩa thứ ba: Dành cho những ai tìm ý nghĩa của cuộc sống và tôn giáo (đoạn này sẽ mang rất nhiều hơi hướm của tôn giáo và thiền và quan điểm của mình nên ai ngán có thể tránh xa nha)
Theo ý kiến mình thì đây là tầng sâu nhất của Life of Pi – tìm chân lý, ý nghĩa cuộc đời, thượng đế v.v…
Đầu phim ta thấy Pi có 1 sự giằng xé lẫn hòa thuận giữa các tôn giáo: Hindu với hàng triệu vị thần, Công giáo và Hồi giáo với 1 thần (God, Alah). Pi thấm nhuần sự ra đời của vũ trụ theo hơi thở của thần Brahma và tình yêu của Jesus Christ cùng với tình huynh đệ của đạo Hồi do đấng Allah ban tặng. Do đó, Pi rất muốn đi tìm ý nghĩa của cuộc đời cho dù là đã tìm qua rất nhiều tôn giáo. Do đó, chuyến đi của Pi cùng gia đình mang ý nghĩa bắt đầu cuộc hành trình tìm Đạo, Thượng Đế, Chân lý v.v…Điều này sẽ dễ hiểu hơn với những ai nghiên cứu về Thiền, cơn sóng gió đầu tiên chính là “lìa xa gia đình”, Phật Thích Ca bỏ nhà tìm đạo khi còn trẻ, Chúa Jesus trước năm 30t trong kinh sách không nói đến nhưng có khả năng Ngài cũng đi tìm chân lý trong khoảng thời gian này, hoặc các bận đạo sư cũng thường hay xuất gia hoặc rời gia đình đi tìm Đạo. Do đó, Pi bắt đầu con đường “tìm kiếm” của mình với 5 con thú: chuột, ngựa vằn,tinh tinh, linh cẩu và hổ cùng với 1 chiếc xuồng mà theo tinh thần Phật giáo hay ví “con đường tu tập như chiếc bè vậy”, còn 5 con thú chính là nội tâm của “hành giả Pi”: sự giằng xé nội tâm của Pi trong quá trình này rất lớn, ban đầu lòng tham là thứ sẽ nổi lên mạnh nhất, ai tham thiền lâu sẽ dễ thấy rõ điều này về tính chiếm hữu của lòng tham, nó đánh vào nơi yếu đuối nhất của con người chính là ngựa vằn với 2 sọc trắng đen tượng trưng cho sự phân chia thiện ác, lúc này Pi không biết được đâu là thiện và đâu là ác do còn quá trẻ, cho nên ngựa vằn què quặt chính là ý đó, và khi lòng tham nổi lên thì tính phân biệt này bị xóa bỏ trước kế đến là tình người (tinh tinh), có lúc tình người thắng thế nhưng không lâu bị lòng tham quật ngã ngay khi tình người yếu đi. Do đó trong Phật giáo: Tham đứng đầu trong tham,sân,si, hỉ, nộ, ái, ố, dục. Nhưng lòng tham vẫn bị hạ bởi 1 thứ: bản ngã hay còn nói bản ngã của Pi chính là con hổ, 1 bản ngã mang tính bản năng, trong thang Maslow nó đứng dưới cùng, lòng tham vẫn còn ở “thang trên”, bản ngã mới là chủ chốt khi chi phối mọi nhu cầu bản năng của con người mà ngay cả sự “lươn lẹo” cũng bị bản ngã tiêu diệt. Suốt cuộc hành trình của Pi chính là sự tranh đấu của Pi với bản ngã này, cái đi theo cùng ta trong cuộc hành trình bất tận, lúc nó chống đối ta, lúc nó giúp đỡ ta, nó và ta gắn liền như định mệnh. Pi tìm hiểu con hổ chính là tìm hiểu chính mình. Nhu cầu bản ngã là rất lớn, cho nên thời gian đầu Pi phải cung cấp cho nó, thỏa mãn nó, khuất phục nó, biết là có nó kế bên là nguy hiểm là khó chịu nhưng không thể tách rời, cả ngay khi có thể (đoạn hổ rớt xuống nước) nhưng Pi bắt đầu thuần phục nó, đối thoại với nó, nhìn sâu vào bản chất của nó. Đoạn Pi nhìn xuống nước, thấy mặt con hổ (chính là bản ngã của mình) và đi sâu vào lòng đại dương với biết bao điều từ sự hình thành các loài, sinh sinh diệt diệt, con tàu đắm, mối tình đầu v.v… nói theo ngôn ngữ Phật giáo hay Hindu giáo chính là mở con mắt thứ ba mà nhìn rõ bản chất của chính mình, các hình ảnh hay các tiềm thức được quay ngược v.v….Có lẽ lúc đó Pi đã ngộ ra được khá nhiều điều. Trên con đường hành trình Pi cũng đã gặp nhiều những cảnh tượng kì vĩ, khó ai thấy, cũng như khi tu tập hành giả sẽ gặp rất nhiều cảnh tượng hoa thơm cỏ lạ nhưng nếu dừng lại thì sẽ rất nguy hiểm có khi bị cuốn theo không chừng.
Có những lúc Pi tưởng chừng gục gã trên con đường gian khổ này, như bao hành giả khác Pi cũng đã phải gào với Trời với Thượng Đế mà rằng: “Con đã sẵn sàng ra đi rồi đây! Ngài đã lấy đi gia đình, mọi thứ của con, Ngài còn muốn gì nữa?” nhưng nếu kiên trì thì như Chúa Jesus từng nói: “Hãy gõ, cửa sẽ mở”.
Và có lẽ hay nhất chính là đoạn lên được đảo “thiên đường” với hình dạng 1 người nằm nổi trên mặt nước. Khi Pi đang “lạc lối” trên “đại dương” không biết đâu là bến bến bờ như 1 hành giả mặc dù đã tiến xa trên con đường tìm đạo nhưng trong tâm thật là vô bờ bến như biển ko biết đâu là hướng thì tìm được 1 bến đỗ bình yên. Trong Thiền tông gọi là sự tham chấp về cái tịch tĩnh, tuy yên bình nhưng lại là nơi chôn thân biết bao nhiêu hành giả. Ngay khi Phật Thích Ca lúc cầu đạo đã đạt đến tứ thiền, đạt đến chỗ an lạc không kể xiết nhưng ngài vẫn không thoát khỏi bản ngã của mình và do đó ngài tiếp tục tìm kiếm. Pi thấy rõ điều này khi tìm thấy răng của 1 người bị hòn đảo tiêu hóa, Pi biết nếu ở đây rồi sẽ chết cô độc mà thôi. Do đó, anh quyết định như Phật Thích Ca, tiếp tục tìm kiếm.
Và đoạn kết, khá là thú vị với hình ảnh sức cùng lực kiệt nằm gục trên bãi biển và con hổ bỏ đi nó mang ý nghĩa, Pi đã đến “bờ”, đã bỏ được bản ngã của mình như chúa Jesus 40 ngày trên sa mạc, vắt kiệt sức mình để chống lại bản ngã của mình chính là quỷ dữ và các cám dỗ cho đến khi ngày thành Đạo hay Phật Thích Ca với 49 ngày gian khổ dưới gốc Bồ Đề. Và với Pi chính là hành giả đã rũ bỏ được bản ngã của mình. Và sau đó mới là quan trọng, Phật Thích Ca hay Chúa Jesus sau khi thành đạo đều quay về với xã hội loài người, chứ các Ngài không trốn đi đâu đó mà tự hưởng phúc lạc. Theo như Thiền là đạt Đạo thì phải thõng tay vào chợ. Do đó, Pi đã quay lại với cuộc sống đời thường, một cuộc sống của một con người rất bình thường cùng vợ và 2 con. Tuy nhiên ta thấy rõ cuộc đời của Pi lúc này là cuộc đời của một người bình thường mà không tầm thường.
 

guile

Member
Ðề: Life of Pi - một bộ phim nghệ thuật quá đẹp, quá ý nghĩa

Chính tại hạ...^^
 

MONK_da

Film critic
Phim đã được công chiếu nên Monk sẽ bàn tiếp về chi tiết trong phim đang gây tranh cãi trên các forum nước ngoài. Do SPOIL khá nhiều nên Monk vẫn khuyên ai chưa xem phim đừng đọc. Nếu bạn dự định xem phim này, và không muốn lãng phí số tiền vé đắt đỏ mà bạn đi làm khó khăn dành dụm thì tuyệt đối không mở phần SPOIL bên dưới ra xem trước nhé!

Nếu bạn đã xem hết phim này, thì bạn có thể mở câu hỏi dưới đây, trả lời thật nhanh với suy nghĩ đầu tiên trong đầu bạn, vì đó mới là cảm nhận thật sự của bạn sau khi xem phim.
Trong 2 phiên bản của câu chuyện mà Pi kể, bạn TIN câu chuyện nào hơn? Nên nhớ TIN chứ không phải THÍCH nhé.

Đây chính là điều mà nhiều fan của bộ truyện phản đối đạo diễn. Theo họ, trong truyện, tác giả cố ý thể hiện rõ các chi tiết cho thấy câu chuyện thứ 2 mà Pi kể cho các điều tra viên chỉ là câu chuyện bịa, và câu chuyện đầu tiên mới là câu chuyện thật sự mà Pi trải qua.

Tuy nhiên, khi dàn dựng phim này, Lý An đã xử lý câu chuyện thứ 2 có phần chăm chút hơn. Tất nhiên, ông không diễn đạt câu chuyện thứ 2 này thành hình ảnh, mà chỉ để nhân vật kể lại và để khán giả tự tưởng tượng. Nhưng chính đây là đất diễn để diễn viên vô danh Suraj Sharma thể hiện tài năng của mình. Ban đầu, Pi kể lại câu chuyện một cách miễn cưỡng, nhưng rồi cậu dường như nhập tâm hơn vào câu chuyện đó, cậu như đang hồi tưởng, rưng rưng nước mắt, xúc động và kể lại nó như thể chính cậu đã trải qua điều đó. Chính nét diễn xuất này của Suraj đã khiến cho nhiều người sẽ có cảm giác rằng đây mới là câu chuyện thật sự mà Pi đã trải qua, chứ không phải câu chuyện đầu tiên.

Tất nhiên, nếu Monk hỏi bạn THÍCH câu chuyện nào hơn, Monk nghĩ nhiều bạn sẽ chọn câu chuyện đầu tiên, vì nó lãng mạn, nó đẹp, nhẹ nhàng, thoát tục, nó thể hiện niềm tin vào sự kỳ diệu, vào phép màu, vào thế lực siêu nhiên giúp con người vượt qua khó khăn, giúp bạn quên đi cái thế giới thật trần trụi, đầy rẫy đau khổ, bất công.

Nhưng nếu Monk hỏi bạn TIN vào câu chuyện nào, Monk nghĩ cũng sẽ nhiều bạn sau khi chiêm nghiệm, dùng năng lực LÝ TRÍ để phân tích, sẽ chọn TIN vào câu chuyện thứ 2. Vì đó mới là THỰC TẾ.

Vậy Thực tế là gì?
Thực tế phải chăng là mẹ của Pi bị gã đầu bếp ác độc giết một cách tàn nhẫn?
Thực tế là Pi nổi điên lên và giết gã đầu bếp để trả thù cho mẹ?
Thực tế là Pi phải ăn thịt người để sống sót và tồn tại?
Thực tế Pi chính là con hổ trong hoàn cảnh ngặt nghèo đã để bản năng trỗi dậy và tìm cách sinh tồn?

Rất nhiều ý kiến phản đối đạo diễn Lý An vì xây dựng cái kết gây ra sự mâu thuẫn, tạo sự nghi ngờ của khán giả vào vẻ đẹp không tưởng trong nguyên tác, lái khán giả vào suy nghĩ THỰC TẾ đầy bi kịch của phim. Nhưng có những ý kiến BÁC BỎ điều này, vì theo họ dù Lý An có làm gì trong bộ phim đi nữa, họ vẫn TIN vào câu chuyện đầu tiên. Họ vẫn TIN rằng Pi bịa ra câu chuyện thứ 2 là để thỏa mãn cái tính THỰC TẾ của các điều tra viên.

Cá nhân Monk, mãi đến lúc này, Monk vẫn TIN vào câu chuyện đầu tiên, không phải vì Monk sợ đối diện THỰC TẾ cay đắng, phũ phàng của cuộc sống, mà vì Monk có niềm tin rằng Cuộc sống vẫn có nhiều điều không tưởng, những chuyện kỳ diệu mà không ai có thể lý giải.

Một buồng chuối có thể nổi trên mặt nước không?
Một con hổ có thể sống chung với 1 con người nhiều ngày mà không ăn thịt người, chỉ ăn cá không?
Một người có thể sống lênh đênh nhiều ngày trên biển mà không chết khát không?
Hòn đảo ăn thịt người có thật không?

Có rất nhiều thứ khiến ta nghi ngờ, bởi vì chúng ta được dạy dỗ về việc sử dụng LÝ TRÍ khi phân tích mọi chuyện. Nhưng LÝ TRÍ có một nhược điểm, nó giới hạn tầm suy nghĩ, óc tưởng tượng và khiến chúng ta rơi vào khuôn khổ, bó hẹp bản thân ta trong cái lồng có tên THỰC TẾ, những gì ta không thấy, ta không biết, sẽ được xem là KHÔNG TƯỞNG, là VÔ LÝ.

Nhưng may mắn làm sao, những bậc vĩ nhân không để cho LÝ TRÍ trói buộc họ. Họ để trí tưởng tượng bay bổng để làm những chuyện mà người đương thời với họ cho là điên rồ, nhưng chúng ta lại xem là vĩ đại (Chẳng hạn bay như chim, nói chuyện với 1 người cách nửa vòng Trái Đất).

Những gì trong câu chuyện của Pi có thể hơi khó tin, nhưng vì nó chưa được kiểm chứng, chứ không phải là không thể xảy ra. Chính vì vậy, Monk vẫn tin vào câu chuyện đầu tiên của Pi.

Monk đánh giá cao Lý An khi xây dựng một bộ phim từ một cuốn truyện Không thể dựng thành phim, một bộ phim thoạt tưởng chỉ là 1 câu chuyện như cổ tích, nhưng ông biết đánh vào chi tiết quan trọng để khiến câu chuyện xem cho vui trở nên có ý nghĩa, giúp truyền tải ý tưởng về thực tế, và để khán giả sau khi xem cho sướng mắt, họ cũng phải ngẫm nghĩ về một điều gì đó mà họ rút ra từ bộ phim này.

Monk đã nói câu trả lời của mình. Vậy còn các bạn, sau khi xem phim thì câu trả lời đầu tiên của bạn lúc bước ra khỏi rạp là gì?
Trong 2 phiên bản của câu chuyện mà Pi kể, bạn TIN câu chuyện nào hơn?
 

HDVNAdmin

Ban Quản Trị
Tuy các điều tra viên yêu cầu Pi kể lại câu chuyện "khiến mọi người có thể tin được", nhưng biên bản bảo hiểm của họ lại ghi là "sống sót nhiều ngày với 1 con hổ Belgan". Vậy là họ cũng tin vào câu chuyện thứ nhất đó chứ?

Pi đều nhập tâm và xúc động mạnh khi kể 2 câu chuyện. Hãy xem Pi đã "tan vỡ trái tim" thế nào khi con hổ không quay đầu lại, nó có kém gì giọt nước mắt khi cậu ấy kể về câu chuyện thứ hai?
 

hucek

Active Member
Ðề: Life of Pi - một bộ phim nghệ thuật quá đẹp, quá ý nghĩa

Chẹp, câu chuyện trên phim đang hay. Tự nhiên lại có đoạn 2 ông ng` Nhật làm cho bao nhiêu hình ảnh lung linh trước đấy bị vỡ vụi ... thực sự thì tôi tin vào câu chuyện thứ 2 hơn, thế mới bùn.
 

thich_xem_phim

Active Member
Tui thấy câu chuyện 1 cũng đầy thực tế trần trụi cay đắng chứ đâu có lãng mạn gì đâu. Phải chi lênh đênh trên biển với 1 em gái xinh đẹp thì còn lãng mạn chứ đằng này là với 1 em hổ, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nó xơi tái mình. Môi trường quen thuộc của con hổ là trên cạn trong rừng (chúa sơn lâm mà) nên khi ở trên biển nó cũng run lắm, chưa kể nó bị say sóng rồi cũng bị đói khát giống mình thì chuyện mình có thể trấn áp nó, sống chung với nó tới phút cuối là hoàn toàn thực tế. Cái đoạn con hổ không quay đầu lại nhìn là 1 minh chứng khác cho tính thực tế của câu chuyện 1, đúng như lời dạy của ông bố luôn đề cao khoa học. Còn cái đảo ăn thịt người tui nghĩ đó là do ảo giác sinh ra, thực tế khi con người đã sức cùng lực kiệt tâm lí chán nản bi quan thì rất dễ sinh ảo giác. Còn nếu nói câu chuyện 1 kì diệu vì cuối cùng sống sót được thì câu chuyện 2 còn kì diệu hơn. Vì ít ra câu chuyện 1 mình còn có con hổ sống chung nên đỡ cô đơn hơn câu chuyện 2, thực tế nhiều người không chết vì đói khát mà chết vì sự cô độc.

Còn đoạn Pi khóc khi kể câu chuyện 2 theo tui là vì phải bịa ra câu chuyện khác để thỏa mãn cái gọi là "thực tế". Những giọt nước mắt tuôn rơi là nhằm bày tỏ sự tiếc thương cho những người tự cho mình là đã hiểu biết đủ nhiều để có thể kết luận 1 chuyện gì đó là thực tế hay không.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

ditah8884

New Member
Ðề: Life of Pi - một bộ phim nghệ thuật quá đẹp, quá ý nghĩa

Một số suy nghĩ của Ditah sau khi xem phim:

Tính ra thì lâu lắm rồi Ditah mới lại viết review phim. Một phần Ditah ít viết là vì năm nay ít phim làm Ditah cảm thấy ấn tượng và xúc động. Nhưng phim “Life of Pi” thì khác. Đây là một bộ phim thỏa mãn được Ditah cả về tính giải trí lẫn những ý nghĩa sâu sắc ẩn trong phim.

Chưa bàn đến những tầng ý nghĩa nhức đầu nhức óc, một phim hay trước hết phải thỏa mãn được số đông khán giả. Ditah coi ở rạp Megastar Crescent Mall quận 7, thấy rạp kín chỗ mà từ con nít tới người già đều bị cuốn hút từ đầu tới lúc rạp sáng đèn. Trước giờ khán giả Việt mình xem phim Mỹ nhiều quá rồi, bây giờ được xem một phim lạ mang nét văn hóa Ấn Độ thì càng dễ bị cuốn hút, đó cũng là một ưu điểm của “Life of Pi”. Về mặt giải trí, theo Ditah thì phim có những điểm nhấn đặc sắc sau đây:

Ai cũng thích đẹp, cái gì đẹp thì người ta thích. Rõ ràng hình ảnh trong phim đã làm thỏa mãn được thị giác người xem. Hình ảnh quá đẹp, đẹp từ cách chọn góc máy cho đến màu sắc, đẹp từ phong cảnh thiên nhiên cho đến các con vật. Một vài ví dụ điển hình có thể kể đến như cảnh các con vật ở vườn thú nhà Pi lúc đầu phim, cảnh đàn cá và bầu trời trong đêm trăng, cảnh hòn đảo bí ẩn mà Pi vô tình khám phá…

Thư hai, những hiệu ứng 3D thực sự ấn tượng, đặc biệt là những hiệu ứng dưới nước. Cảnh con tàu Tsim Sum (không biết Ditah có viết chính xác không) bị đắm chưa đến mức kinh điển như trong “Titanic” nhưng cũng thực sự ấn tượng. Coi cảnh đó, Ditah cảm giác rõ nét được sự dữ tợn, vô biên của đại dương trong cơn bão: những tia sét, những cơn giông mạnh mẽ, sức ép nặng nề từ những đợt sóng biển đang dâng trào…

Bộ phim dựa theo một tác phẩm tiểu thuyết best-selling chắc chắn có một câu chuyện hấp dẫn. Và Ditah cũng rất thích cái kiểu kể chuyện dạng hồi tưởng lại, nó khơi gợi được óc tò mò và hướng người xem suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau. Cũng phải nói thêm, khán giả luôn thích cầu chuyện phiêu lưu của một cậu bé thông minh, gan dạ cùng các con thú.

Điều thứ tư Ditah thích ở “Life of Pi” chính là sự hài hước. Cái hài đến từ sự trong sáng, hồn nhiên tuổi mới lớn, đến một cách bất ngờ, mà nói chung là “duyên” đó! Nói thiệt, Ditah chưa từng thích cái kiểu hài nói trây về tình dục hay hài nhảm nhảm điên điên kiểu Mr.Bean.

Tính riêng những điểm Ditah vừa kể ở trên “Life of Pi” đã đủ để thành một phim giải trí ăn khách, nhưng ngoài ra nó còn mang theo nhiều thông điệp rất ý nghĩa về cuộc sống. Cái tên Pi đã đủ khiến người ta suy nghĩ. Pi là hằng số toán học để tính chu vi đường tròn. Đường tròn là một đường khép kín và có người nói đời sống con người cũng như một đường tròn khép kín giữa sinh và tử. Dù anh giàu hay nghèo, địa vị thấp hay cao thì anh cũng phải trải qua chu kỳ sinh-lão-bệnh-tử như bao người khác. Vấn đề đặt ra là làm thế nào anh kéo dài đường kính để vòng tròn cuộc đời mình to hơn và có ý nghĩa với người khác.

Trong phim, Pi luôn tìm cách học hỏi, vươn lên, khuất phục mọi khó khăn đến với mình. Lúc nhỏ, Pi đấu tranh thoát khỏi sự trêu chọc của các bạn. Lớn lên chút nữa, Pi đấu tranh tư tưởng với người cha về vấn đề tôn giáo cũng như cách nhìn nhận đối với các con thú. Và đỉnh điểm cuộc đời Pi là cuộc đấu tranh sinh tồn trên biển cả sau khi mất cả gia đình trong đợt đắm tàu. Đồng hành với Pi trên biển lại là con cọp Richard Parker – con vật mà chỉ cần một giây sơ sẩy Pi sẽ bị nó nuốt chửng. Chính nhờ sự đấu tranh, tìm tòi không ngừng nghỉ đó mà Pi đã sinh tồn và cuối cùng có được hạnh phúc. Nhìn rộng ra từ cuộc đời Pi sẽ là cuộc đời của bất cứ ai trong chúng ta. Xã hội chúng ta đang sống có rất nhiều cọp. Tất nhiên, đó không phải là con cọp thật, mà cọp có thể là những chuyện không ai muốn như bị thất nghiệp, bị thất tình, bị ganh ghét…Nếu anh không đấu tranh chống lại được thì phải tìm cách thỏa hiệp với nó. Cái quan trọng nhất là chúng ta không được để mất niềm tin.

Và một niềm tin lớn trong mỗi con người là niềm tin vào Thượng đế và tôn giáo. Nhắc đến tôn giáo chúng ta thường gặp hai luồng suy nghĩ đối lập nhau: tin hay không tin. Cha của Pi cho rằng Pi theo một lúc ba tôn giáo: Hindu, Chúa và Hồi tức là Pi không tin vào bất kỳ tôn giáo nào. Cha của Pi cũng nói rằng tôn giáo không giải quyết được vấn đề còn khoa học thì có. Nhưng chân lý vốn chỉ là một và trong phim có một câu thoại của mẹ Pi mà Ditah cho là rất đắc, đủ để lý giải được vì sao con người nên có tín ngưỡng : “ khoa học giải quyết những vấn đề bên ngoài, còn tôn giáo thì giải quyết những vấn đề bên trong”. Ditah cho rằng cái tâm thiện lành và lòng nhân ái sẽ giải quyết mọi vấn đề trên thế giới: chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật…

Cái tâm thiện lành cùng lòng nhân ái thể hiện qua tình yêu thương đồng loại, yêu thương các con vật. Để thể hiện tình yêu thương với các con vật thì con người phải biết ăn chay. Lúc ở trên biển, Pi đã hối hận khi giết con cá. Nhưng vì sinh tồn Pi vẫn phải ăn cá để sống sót. Đến đây thì lại nảy sinh tranh cãi: nên ăn chay hay để mọi thứ tuân theo tự nhiên. Có lẽ câu trả lời tùy thuộc vào nhận định của mỗi người. Tuy nhiên, Ditah thích cách suy nghĩ con vật cũng có tâm hồn và nó cần được sống. Kinh thánh có nói Chúa sinh ra các con vật để làm bạn con người nên Ditah ủng hộ việc ăn chay hơn. Một tháng ăn chay một vài ngày cũng là cách hay để chúng ta bình tâm lại cũng như giảm bớt bệnh tật từ thịt cá.

“Life of Pi” là một phim hay với nhiều ý nghĩa. Nói chung lời khuyên của Ditah là các bạn nên tìm xem và suy ngẫm.

Bài viết của Ditah trên Ditah's blog
 
Mới xem phim này về. Về mặt hình ảnh thì quá mãn nhãn, hình ảnh đẹp lung linh, âm thanh cũng rất phù hợp, hiệu ứng 3D tuyệt vời, nhất là đọan con hổ lao ra, giật bắn mình. Cảnh bình minh đẹp ngỡ ngàng, mặt biển bằng phẳng như tấm gương khổng lồ, cảnh biển đêm đẹp lung linh. Góc quay cũng hay, nhiều lúc nhìn con thuyền lọt thỏm ngay giữa màn ảnh càng tăng vẻ lạc lõng của Pi. Khán giả thì cứ thay nhau trầm trồ, tặc lưỡi.

Mình đi xem phim này vì 2 lý do khi đọc giới thiệu: đẹp và ý nghĩa. Về khía cạnh đẹp thì không có gì để chê rồi. Về phần ý nghĩa có vẻ mình bỏ xót nhiều thứ hay do mình không đủ trải nghiệm để thấm hết những tầng ý nghĩa chứa trong nó. Nhất là khi mình là 1 người vô thần. Thiên đường, địa ngục, Thượng Đế, thuyết luân hồi, luật ăn quả đối với mình chỉ là những công cụ để cai trị của tôn giáo (có vẻ giống cha của Pi). Có lẽ vì điểm này nên mình bỏ qua khá nhiều triết lý hay ho liên quan đến tôn giáo, tuy nhiên mình có thấy 1 điểm khá hay là khi Pi theo 1 lúc cả 3 đạo Hindu, Công giáo, Hồi giáo. Có lẽ tác giả muốn nhấn là bản chất của tất cả tôn giáo đều như nhau: Thượng Đế có thể hiện hữu ở nhiều hình thái khác nhau, nhiều tôn giáo khác nhau nhưng tất cả đều hướng con người về điều thiện, về lẽ phải. Về mảng tôn giáo có lẽ mình thích nhất cách đặt vấn đề của John trong "The man from Earth", mục đích ban đầu của tôn giáo chỉ là đưa ra những lời khuyên hướng thiện nhưng dần dần những người truyền bá đã biến nó thành những thứ siêu nhiên, biến tôn giáo thành mê tín.

Tên của Pi cũng phản ánh phần nào con người của anh, tâm hồn trong trẻo như làn nước trong vắt tại hồ bơi Piscine Molitor Patel. 1 cậu bé hiền lành, sùng đạo, và yêu thương loài vật. Cách mà Pi phản ứng lại khi bị giễu cợt vì cái tên gây hiểu lầm thật văn minh và sáng tạo. Mình hồi cấp 3 có thằng bạn chung lớp suốt ngày lấy tên mình ra liên tưởng tới 1 từ tục tĩu, chả hiểu sao bọn trong lớp cũng hưởng ứng ầm ầm. Thêm nữa là thằng bạn này rất lỳ, nó lại nhải suốt ngày. Có lúc mình tức quá, lao vào đấm nó ngay giữa lớp luôn 8-|.

Tình huống khá hay là khi ông bố dạy Pi rằng loài vật vốn không có linh hồn, tất cả chỉ là phản chiếu của những suy nghĩ trong ta mà thôi. Mình thì lại khác, mình nghĩ các loài vật có linh hồn, có thể suy nghĩ, có thể có tình cảm :). Nhà mình từng nuôi mèo, chó nên mình khá chắc về điều này. Bạn phải tận mắt chứng kiến con chó đau khổ, nhịn ăn gần tháng trời khi bị tách khỏi chủ cũ, cảnh con mèo mẹ chạy khắp nơi tìm con mình mới thấy con vật cũng tình cảm như người vậy thôi.

Đến cuối phim vẫn chưa có được lý do vì sao con tàu lại chìm. Có lẽ hàm ý của nó giống những bão táp, biến cố trong cuộc đời mỗi chúng ta. Không ai có thể hy vọng vọng vào 1 cuộc đời bằng phẳng, yên bình cho đến cuối đời. Sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ gặp chúng, quan trọng là ta đối mặt với chúng như thế nào, bị vùi dập hay tự mình vượt qua. Nhiều bác ở trên nhăc tời Hemingway làm mình chợt nhớ về 1 câu nói của ông, 1 trong những trích dẫn mình thích nhất: “Sẽ có lúc bạn trở nên mạnh mẽ hơn từ những gì đã từng làm bạn tổn thương.” Có thời gian mình lúc nào cũng tự nhủ câu này để làm nguôi ngoai nỗi buồn. (Thế mà lúc tìm đọc về tiểu sử Hemingway thì phát hiện ra ông đã tự sát để giải thoát khỏi những đau đớn do bệnh tật =,=.) Trở lại bộ phim thì có thể thấy điều này rất rõ qua sự thay đổi của Pi. Hoảng loạn, đau đớn, tuyệt vọng, dân dần Pi cũng trở nên cản đảm, bạo gan, mà mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Cách dẫn dắt câu chuyện bằng sự hồi tưởng cũng rất hay. Mình nhớ Pi có nói 1 câu rất hay với anh nhà văn. Đại ý là tôi đã kể hết cho anh, giờ anh toàn quyền quyết định viết thế nào, bây giờ nó là câu chuyện của anh. Hàm ý về quá trình sáng tác nghệ thuật của các nhà văn, các đạo diễn điện ảnh. Anh có quyền sáng tạo, câu chuyện có thể sẽ rất mâu thuẫn, khó tin, nhưng người đọc rút ra được gì từ nó mới là giá trị cao nhất của 1 tác phẩm.

P/s: Hic nãy viết 1 bài dài mà lỡ tay bấm back 1 phát mất hết. Cụt hết cả hứng + nhớ được nhiêu đây thôi. Nãy tính đi xem phim sẽ đi ăn sushi, mà xem xong rồi thì 2 đứa quyết định đi ăn chay cho lành mạnh :D
 
Chỉnh sửa lần cuối:

MONK_da

Film critic
Monk thăm dò khoảng 4 người bạn đã xem phim này.

1 người bỏ về sớm do bạn ấy bị trailer và PR của báo chí lừa tình rằng phim này giống AVATAR, nên hi vọng hành động hay cái gì đó hoành tráng tương tự nhưng cuối cùng vỡ mộng nên bỏ về trước khúc cuối do thấy chán.

3 người bạn kia thì họ tin vào câu chuyện
Thứ 2. Vì theo 1 người lý giải là theo kinh nghiệm coi phim của bạn ấy thì đoạn cuối luôn là điểm mấu chốt tiết lộ, giải quyết vấn đề nên bạn ấy cho rằng câu chuyện thứ 2 là cái ẩn ý của tác giả giấu đến phút chót để tiết lộ.

Monk chỉ hỏi thăm dò chứ không tranh luận hay phân tích gì cả với các bạn ấy, chủ yếu để xem phản ứng của 1 khán giả bình thường, xem mà không cần ngẫm nghĩ phân tích thì họ cảm nhận câu chuyện theo cách nào mà thôi.
 
Mất hết mà bác cũng ráng kiên nhẫn viết lại được bài như trên thì kể ra bác cũng có được tinh thần của Pi.
Hehe cảm ơn bác. Cũng gọi là tập tành viết cảm nhận của mình sau khi xem phim. Trước đây mình có một điều rất băn khoăn là mỗi khi xem phim xong thì rất ngứa ngáy, muốn bàn luận về phim với người khác nhưng tiếc là chưa tìm được người bạn nào cũng nghiện phim và thích bàn luận về ẩn ý sau nó như mình. Hầu hết chỉ dừng lại ở phim này hay quá, diễn viên xyz đẹp quá, đánh nhau ngầu quá,..
Mình tình cờ được bạn mình gửi link topic bình luận của HDvietnam lúc sau khi xem xong "the dark knight rises". Mình nhớ là hôm đó mình thích thú lắm, cực kỳ ấn tượng về bài review về TDKR của bác DanielTran. Ngồi đọc gần hết topic trong box Bình luận tự do này, tối hôm đó mình 4h mới ngủ được :D. Thế là từ đó có thêm 1 địa chỉ quen thuộc để có thể nêu cảm nghĩ của mình mỗi khi xem xong 1 bộ phim mà mình thấy tâm đắc.
 

thich_xem_phim

Active Member
Trong cuốn sách “Căn tính và bạo lực”, Amartya Sen (Giáo sư Kinh tế học và Triết học người Ấn Độ) phân tích rằng nguồn gốc của bạo lực trên thế giới xuất phát từ quan niệm sai lầm khi cho rằng mỗi người chỉ có 1 căn tính duy nhất và căn tính đó được phân loại dựa theo 1 chuẩn duy nhất ví dụ như chuẩn tôn giáo. Và 1 luận đề mà ông bài bác kịch liệt đó chính là luận đề “sự va chạm của các nền văn minh” của Samuel Hungtington. Ông cho rằng việc nhét con người vào những cái hộp cứng nhắc rồi dán nhãn văn minh này nọ (phương Tây, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo...) chỉ tổ gây ra sự xung đột, xóa bỏ sự đa dạng nội tại trong lòng các nền văn minh; cũng như làm hình thành 1 quan niệm sai lầm là mỗi nền văn minh phát triển độc lập với nhau, những thành tựu chỉ là của riêng mình, bỏ qua sự đóng góp của các nền văn minh khác.

Chẳng hạn bằng việc miêu tả Ấn Độ như 1 nền văn minh Hindu đã hạ thấp cái thực tế rằng Ấn Độ có nhiều người theo Hồi giáo hơn bất kì nước nào khác trên thế giới ngoại trừ Indonesia và Pakistan ở sát bên, chưa kể Ấn Độ là cội nguồn của Phật giáo. Miêu tả như vậy dễ gây kích động bạo lực giữa Hindu và các tôn giáo khác; cũng như không xét đến những đóng góp của những người thuộc tôn giáo khác vào nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, phim ảnh hay ẩm thực Ấn Độ.

Đầu phim việc để Pi tiếp cận và theo cả 3 tôn giáo theo tui là nhằm truyền tải thông điệp cuối phim: những điều tốt đẹp kì diệu mà con người đạt được trong cuộc sống nhờ vào niềm tin, ý chí, hi vọng không phải là sở hữu độc quyền hay phát minh riêng của bất kì 1 tôn giáo nào. Và những kĩ năng giúp Pi sống sót trên biển cũng cho thấy 1 người theo 1 tôn giáo nào đó không có nghĩa là người đó sống không khoa học và ngược lại. Mỗi 1 căn tính giải quyết những vấn đề khác nhau nên việc con người sở hữu cùng lúc nhiều căn tính, vừa là 1 tín đồ vừa là 1 nhà khoa học là điều bình thường chứ không nên cực đoan như ông bố của Pi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

DanielTran

Well-Known Member
Ðề: Re: Life of Pi - một bộ phim nghệ thuật quá đẹp, quá ý nghĩa

Hehe cảm ơn bác. Cũng gọi là tập tành viết cảm nhận của mình sau khi xem phim. Trước đây mình có một điều rất băn khoăn là mỗi khi xem phim xong thì rất ngứa ngáy, muốn bàn luận về phim với người khác nhưng tiếc là chưa tìm được người bạn nào cũng nghiện phim và thích bàn luận về ẩn ý sau nó như mình. Hầu hết chỉ dừng lại ở phim này hay quá, diễn viên xyz đẹp quá, đánh nhau ngầu quá,..
Mình tình cờ được bạn mình gửi link topic bình luận của HDvietnam lúc sau khi xem xong "the dark knight rises". Mình nhớ là hôm đó mình thích thú lắm, cực kỳ ấn tượng về bài review về TDKR của bác DanielTran. Ngồi đọc gần hết topic trong box Bình luận tự do này, tối hôm đó mình 4h mới ngủ được :D. Thế là từ đó có thêm 1 địa chỉ quen thuộc để có thể nêu cảm nghĩ của mình mỗi khi xem xong 1 bộ phim mà mình thấy tâm đắc.

Cảm ơn bạn, những lời tâm sự của bạn là món quà khích lệ to lớn đối với Daniel. Vốn là Daniel cũng có nhu cầu chia sẻ cảm nhận về các bộ phim mình yêu thích; tuy viết ra nhưng kỳ thực là muốn đọc thêm bàn luận từ nhiều bạn khác. Bởi vì ai cũng có góc nhìn chủ quan của mình, khám phá thêm được nhiều góc nhìn khác sẽ giúp cho đánh giá của mình đa diện và khách quan hơn, sâu sắc hơn. Thậm chí nếu có những phân tích trái ngược nhau lại càng thú vị. Vì tán thành một quan điểm là điều dễ, nói ngược lại người khác mà vẫn có lý luận thuyết phục mới là khó! Bài đầu tiên của bạn rất hay và rất đáng đọc, mong bạn tiếp tục tham gia cùng nhau, với tất cả anh chị em yêu thích phim ảnh trong forum này.
 
Bên trên