Bí quyết sắm rạp hát tại gia

vkc

Well-Known Member
Bí quyết sắm rạp hát tại gia


Một hệ thống home theater hoành tráng không nhất thiết quá đắt giá mà phải hợp lý với nhu cầu và túi tiền của chủ nhân.


home.jpg

Rạp hát tại gia là sự kết hợp hài hòa của âm thanh và hình ảnh.

Bạn không nên sắm sửa theo số đông mà hãy nhìn nhận đúng nhu cầu của mình. Một bộ rạp hát tại gia không chỉ là đồ trang trí thể hiện sự giàu có, phong lưu mà nên phục vụ sở thích xem và nghe của chính mình. Do đó, nếu chưa hiểu hết tính năng của từng thiết bị, bạn có thể tìm hiểu tài liệu, hỏi chuyên gia... để mua đồ và sử dụng đồ hợp lý nhất, tránh trường hợp dùng một thời gian ngắn đã thấy chán.

Chọn máy chiếu hay màn hình?

Nếu muốn xem HDTV rẻ, bạn có thể chọn thiết bị gọi là máy chiếu. Cỗ máy này sẽ cho hình ảnh trên màn chiếu với kích thước lớn. Có thể từ "máy chiếu" không làm bạn ấn tượng bởi hình ảnh về nó trong những buổi trình diễn PowerPoint ở các cuộc họp, hội thảo... Nhưng máy chiếu cho rạp hát tại gia lại là một thiết bị khác cho chất lượng hình ảnh đẹp hơn rất nhiều nhờ công nghệ thay đổi trong mấy năm qua.

Trong triển lãm Audioholics 2008, người tham quan được chứng kiến những máy chiếu Epson cho hình ảnh HD sắc nét ở cỡ 100 inch mà giá chưa tới 1.000 USD. Trong khi đó, một TV màn hình phẳng 65 inch có giá tới 5.000 USD.

Nhưng điều cần chú ý là dùng máy chiếu thì cần điều khiển ảnh sáng trong phòng kỹ càng hơn so với các TV màn hình phẳng. Nếu có thói quen xem phim ban ngày và trong phòng có cửa sổ lớn thì có lẽ bạn không nên chọn máy chiếu. Ngược lại, nếu thích xem phim trong phòng tối thì đây là giải pháp hợp lý.


b1.jpg

Loại cáp mới quan trọng chứ không phải thương hiệu cáp HDMI. Ảnh: Soundadvice.

Không vung tiền vào cáp quá đắt

Nhiều người cho rằng thay thế cáp HDMI của hãng có tên tuổi sẽ mang lại thay đổi khác biệt cho chất lượng hình ảnh. Dù vậy, thực tế là loại cáp (HDMI so với S-Video) được đem ra so sánh chứ không phải thương hiệu.

Các loại cáp có thương hiệu rất đắt, ví dụ HDMI của Nyko được bán với giá 60 - 90 USD cho máy PS3. Nhưng bạn có thể tiết kiệm tiền nếu tìm đến sản phẩm của Blue Jeans Cables, Monoprice... với giá chưa tới 20 USD.

Chọn nguồn media

Nguồn âm thanh hay hình ảnh tốt sẽ mang lại trải nghiệm tuyệt vời, do đó, không nên mua loại đĩa CD rẻ tiền bị sao chép lậu với công nghệ kém. Hiện có những cửa hàng bán đĩa nhập ngoại có giá cao gấp nhiều lần so với đĩa "hàng chợ" thông thường. Nhưng thà mua một đĩa hay, chất lượng tốt còn hơn mua chục đĩa kém chất lượng. Bởi với hàng tốt, bạn sẽ nâng niu, giữ gìn như món đồ quý giá, còn hàng kém sẽ nghe vài lần là vứt đi và như vậy lại trở thành lãng phí.

Nếu có thể, bạn sẽ mua được nhạc từ những cửa hàng trực tuyến như iTunes, Amazone... một cách tiết kiệm. Ở đây, các bản nhạc "cổ" được bán với giá thấp hơn bài hát mới và thích bài nào, bạn mua bài đó chứ không phải mua cả album. Giá mua hàng trực tuyến bằng cách tải về thiết bị thấp hơn một chút so với đĩa CD.


b2.jpg

Đầu Blu-ray cũ là lựa chọn hợp lý. Ảnh: Techfresh.

Có nên bỏ qua Blu-ray?

Khi định dạng Blu-ray thắng thế HD-DVD, nó trở thành lựa chọn duy nhất cho những người yêu xe phim độ phân giải cao trên đĩa. Hầu hết các phim mới của Hollywood đều hỗ trợ định dạng này. Hiện người ta có thể mua được đầu Blu-ray với giá 200 USD nhưng đĩa Blu-ray mới thì vẫn quá đắt. Nhiều người chọn giải pháp mua đĩa second-hand khoảng 10 - 15 USD. Bạn có thể mua Blu-ray thông qua eBay, chỉ có điều giá phải trả sẽ tăng so với giá rao bán từ gấp rưỡi đến gấp đôi do thuế và phí vận chuyển về Việt Nam.

Bộ dàn âm thanh hợp lý

Bộ dàn là sự kết hợp khéo léo giữa nhiều thiết bị, phục vụ chủ yếu cho sở thích nghe. Nhưng khi cần xem phim, bộ dàn tốt sẽ mang lại trải nghiệm thú vị khi tiếng nước chảy, tiếng vó ngựa, lời tâm tình... được thể hiện chi tiết và trung thực.



Việt Toàn (theo Audioholics)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/2009/04/3B9AFF8B/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Thiết kế home theater với diện tích giới hạn


Để chọn một dàn home theater thật sự phù hợp với không gian, đúng chức năng, hài hòa với nội thất, tránh tình trạng bố trí những hệ thống lớn, dư thừa vào không gian nhỏ hoặc ngược lại là điều không dễ.

thiet1.jpg

Diện tích giới hạn nên dùng ít thiết bị. Ảnh: Can-am.

Bình quân diện tích nhà ở của người Việt Nam khá nhỏ, phần không gian riêng dành cho sinh hoạt giải trí thường được kết hợp với chung với các phòng chức năng như phòng khách, phòng ngủ... Để đầu tư một hệ thống home theater, điều đầu tiên phải nghĩ đến là kích thước và vị trí set-up, từ đó mới định vị đến chủng loại, nhãn hiệu, giá thành... Gói gọn trong không gian giới hạn đương nhiên là sự lựa chọn sẽ là những hệ thống nhỏ gọn, ít thiết bị, để dành những khoảng trống còn lại cho vật dụng và nội thất. Ngược lại, dù có điều kiện tốt về kinh tế, việc đầu tư một hệ thống quá khổ vào một diện tích giới hạn, ngoài việc mất diện tích sử dụng, mất cân đối diện tích, còn dẫn đến những mối nguy hại về sức khỏe mà ít người nghĩ đến.

Hãy tưởng tượng với một diện tích khoảng 16 m2, bạn đặt một chiếc TV Plasma 60 inch, hệ thống loa cột, hai subwoofer, ampli công suất... chắc chắn sẽ dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến thị lực và thính lực. Kế hoạch thiết kế một home theater trong một diện tích có hạn (từ 20 m2 trở xuống) có thể tạm chia làm 3 giai đoạn: Tìm vị trí thích hợp và lên sơ đồ bản vẽ, chọn thiết bị, sau cùng là set-up.

Tìm vị trí và lên sơ đồ bản vẽ

thiet2.jpg

Ảnh: GSPR

Việc đầu tiên nên kiểm tra xác định vị trí thích hợp nhất để bố trí hệ thống. Đây là một bước rất quan trọng nhưng hay bị bỏ qua. Đôi khi có những vị trí hoàn hảo cho một rạp hát mini nhưng lại đang thực hiện một công năng khác, chúng ta có thể hoán đổi, không nhất thiết phải cứng nhắc chọn phòng khách hoặc phòng ngủ. Sau khi quyết định được vị trí cho hệ thống của mình, bước tiếp theo bạn nhất thiết phải thực hiện là lên sơ đồ bản vẽ.

Sơ đồ bản vẽ có thể giúp bạn hoạch định trước vị trí của thiết bị, góc đặt TV, loa, và quan trọng nhất là giúp bạn tiên đoán và tránh rủi ro trong quá trình lắp đặt hệ thống thực sự sau này. Nói là sơ đồ nhưng bạn không cần qua một lớp kiến trúc nào cả, sơ đồ bản vẽ chỉ là một bản phác thảo vị trí của những yếu tố cần quan tâm sau đây: Cửa ra vào, cửa sổ, ổ cắm điện, gầm cầu thang và "gán" các thiết bị tương lai vào. Sau khi có trong tay vị trí của những yếu tố này, đây là những điểm cần tránh khi bố trí hệ thống:

- Không đặt loa gần cửa ra vào sẽ dễ làm ngã loa.

- Không đặt TV ngược với cửa sổ, hình ảnh sẽ bị lóa khi có nắng.

- Đặt hệ thống chính gần với ổ cắm điện. Rất nhiều trường hợp sau khi set-up, hệ thống nằm quá xa ổ cắm chiníh, nên phải dùng những ổ nối điện chạy dọc sàn nhà rất bất tiện và không đảm bảo an toàn.

- Nên lưu ý chiều cao của gầm cầu thang để chọn loa front có chiều cao phù hợp nếu bạn có ý định tận dụng khoảng không gian này.

thiet3.jpg

Dùng màn LCD để tiết kiệm diện tích. Ảnh: Smarthome.

Ngoài ra, tránh dùng loa surround ảo khi đường đi của âm thanh phản hồi với mặt lưng của cầu thang ngay cả đối với loa surround ảo có cân chỉnh hướng của sóng âm.

Một số người thường chuộng cách đặt hệ thống âm thanh ở một góc phòng nhằm tiết kiệm diện tích, nhưng đây hoàn toàn là một cách sắp xếp sai lầm. Trước tiên phải kể đến sự bất tiện về góc nhìn đến TV, một số thành viên khi ngồi xem chắc chắn sẽ phải ngoái nhìn, ngoài ra không có cách nào có thể sắp xếp hệ thống loa surround chuẩn với một góc độ như vậy. Trừ khi, bạn bố trí ghế sofa song song với mặt phẳng TV, nhưng như vậy sẽ khiến không gian trông rất tối.

Đến đây, bạn đã có thể vẽ một sơ đồ với những hướng dẫn nên trên và tìm một vị trí tốt nhất, phù hợp với không gian cụ thể của nhà bạn và luôn nhớ hãy kiểm tra thật kỹ mọi vị trí có thể, ngay cả khi phải thực hiện một số di dời.

Chọn thiết bị

thiet5.jpg

Ảnh: Made-in-China.

Nhỏ gọn là tiêu chí hàng đầu trong việc lựa chọn thiết bị cho hệ thống home theater trong một diện tích giới hạn. Cụ thể chúng ta có bốn loại thiết bị: Loa multimedia (vi tính) 5.1, dàn tất cả trong một, hệ thống loa surround ảo, hệ thống home theater với 6 loa bookshelf. Tại Nhật Bản, khi diện tích ở luôn là một vấn đề nan giải, để có được một home theater chất lượng trong một không gian nhỏ, đa số các audiophile sử dụng giải pháp hệ thống rạp hát gia đình với bộ 6 loa bookshelf. Nếu có điều kiện trang bị các loa bookshelf tốt và receiver cao cấp, hệ thống home theater này sẽ cho bạn một không gian nhà hát với hiệu ứng 3D surround tuyệt vời. Hơn nữa, nếu không gian và điều kiện cho phép, bạn sẽ nâng cấp hệ thống lên 7.1.

Đối với TV, nên chọn TV có kích thước màn hình dưới 40 inch. Nếu có điều kiện, bạn nên đầu tư loại LCD hoặc PDL với thiết kế treo tường. Thiết kế này đặc biệt hữu dụng vì nó giúp bạn tiết kiệm rất nhiều không gian. Nếu chưa có điều kiện, bạn có thể chọn TV CRT với loại màn hình mỏng thế hệ mới. Đơn cử những model như SlimFit Z30 và Z40 của Samsung vừa gọn vừa có thiết kế sang trọng như TV LCD. Nên lưu ý chọn những TV CRT có chế độ quét hình 100 MHz Progressive Scan với cổng hình component. Những tính năng này sẽ giúp bạn có được những hình ảnh DVD trung thực hơn nhiều mà chỉ cần đầu tư thêm một khoản tiền rất hợp lý so với TV CRT thông thường.

(Còn tiếp)

(Theo Nghe Nhìn)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Chuyen-gia/2006/06/3B9AE1F9/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Thiết kế home theater với diện tích giới hạn (2)


Lắp đặt hệ thống loa multimedia (vi tính) 5.1, dàn tất cả trong một và hệ thống loa surround ảo tương đối đơn giản. Đối với hệ thống tất cả trong một, bạn chỉ việc kết nối dây dẫn và hiệu chỉnh một vài thông số về khoảng cách loa.


ke2.jpg

Hệ thống treo tường hợp với màn hình LCD. Ảnh: Hometheaterwrx.

Một số hệ thống có thiết kế loa khá gọn nhẹ cho phép treo tường sẽ rất tuyệt vời khi phối hợp với TV LCD hoặc PDP. Riêng đối với hệ thống surround ảo, bạn nên lưu ý khoảng cách giữa loa đến hai tường phải đồng nhất và hai cạnh tường nên song song nhau. Tuy nhiên, nếu tường nhà không song song hay có những khoảng hở, bạn vẫn có thể lắp đặt (set-up) hệ thống loa surround ảo của Yamaha.

Hệ thống home theater rời với 6 loa bookshelf và một subwoofer đòi hỏi những set-up theo trình tự. Nếu có receiver có chức năng tự động (auto set-up) với micro phone, bạn chỉ việc làm theo hướng dẫn trong sách. Nếu không, bạn sẽ thực hiện các bước qua hệ thống menu trên màn hình (OSD), bao gồm: Kích thước loa, khoảng cách loa, tần số cắt của subwoofer. Lưu ý không nên bố trí loa trong góc tường sẽ gây nên hiện tượng phản xạ âm dẫn đến méo tiếng, lệch pha. Để kênh center cho âm thanh hiệu quả nên đặt loa center ở vị trí gần màn hình nhất. Một trong những lợi điểm của hệ thống home theater với 6 loa bookshelf là bạn có thể thưởng thức âm thanh hai kênh tốt nếu trang bị loa và receiver chất lượng. Để âm thanh hai kênh phát huy tối đa, bạn đừng quên đầu tư một đôi dây loa chuẩn riêng cho cặp front.

Đối với loa subwoofer, vì ở dài tần thấp dưới 80 Hz, sóng âm không có định hướng, nên về mặt lý thuyết bạn có thể đặt loa ở bất kỳ vị trí nào (hoặc có thể giấu ở những vị trí thích hợp). Tuy nhiên, nếu bạn thích âm trầm mạnh mẽ, bạn có thể bố trí loa subwoofer ở góc nhà, khi đó âm trầm sẽ kết hợp với phản xạ âm từ tường giúp bass mạnh hơn. Càng sát với góc nhà thì âm trầm sẽ càng mạnh, bạn có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với sở thích của mình. Cân chỉnh tần số và phase cũng khá quan trọng trong quá trình set-up subwoofer.

Home theater với hệ thống dây dẫn gọn gàng

ke1.jpg


Hệ thống dây loa chằng chịt của rạp hát gia đình luôn là một bài toán nan giải. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện một số hệ thống tất cả trong một với loa surround không dây nhưng rất ít và cũng chưa đảm bảo được chất lượng âm thanh một cách hoàn hảo nhất. Để giải quyết hệ thống dây loa chạy trên sàn nhà, bạn có thể chọn một trong hai phương pháp trải thảm và cho dây "leo" tường.

Thảm là cách giải quyết ưu tiên và hiệu quả nhất. Bạn có thể trải thàm toàn bộ phòng nghe nhưng việc làm này đôi khi đòi hỏi những di dời phức tạp. Cách tốt nhất là đo diện tích vừa đủ bao phủ hệ thống và toàn bộ loa, sau đó cát thảm đúng với diện tích đó. Để tránh dùng lâu thảm bị tua chỉ, bạn có thể may viền bằng similli xung quanh thảm. Với chi phí thấp, cách làm này sẽ giúp bạn dễ dàng giấu dây loa xuống thảm. Ngoài ra thảm còn có tác dụng thẩm âm rất tốt, tránh âm phản hồi từ sàn.

Nếu vì một lý do nào đó bạn không thể dùng thảm lót sàn, phương pháp "đi" dây lên tường là cách chọn lựa duy nhất. Dây loa sẽ được "chạy" từ receiver lên tường đến vị trí của loa surround. Có thể dùng nẹp nhựa để giữ dây hoặc dùng móc để treo dây. Bạn có thể dùng sơn nước cùng với màu sơn tường thẳng lên nẹp nhựa hoặc dây loa để tránh làm mất tính thẩm mỹ.


12.jpg


(Theo Nghe Nhìn)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Chuyen-gia/2006/06/3B9AE213/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

8 sai lầm với hệ thống rạp hát gia đình


Bạn đổ ra một đống tiền để trang bị cho phòng nghe một hệ thống rạp hát gia đình hoành tráng, nhưng chất lượng nó mang lại chẳng khá hơn bộ dàn “cỏ” nhà hàng xóm chẳng là bao. Nguyên nhân có thể là tại phòng nghe chưa đạt tiêu chuẩn, hay bạn mua phải những cặp loa “dởm” hay đấu loa chưa cân bằng.

1. TV lớn


sa1.jpg

TV lớn hợp với phòng nghe lớn, khoảng cách ngồi nghe cũng phải phù hợp. (Home-highend)

Một nguyên nhân khiến người tới thăm quan rạp hát của bạn cảm thấy choáng ngợp và khi âm thanh và hình ảnh hiện lên, người ta lắc đầu ngán ngẩm là TV quá lớn. Đương nhiên là ai cũng thích TV to, tuy nhiên, không phải TV lớn là thích hợp với mọi phòng nghe. Thông thường, khoảng cách tối thiểu giữa TV và người xem bằng 2-2,5 lần chiều rộng của màn hình TV. Nói một cách khác, nếu sở hữu một TV 34 inch thì bạn phải ngồi cách màn hình khoảng 7 feet (tương đương 2 mét). Như vậy, nếu phòng nghe của bạn nhỏ thì không nên sắm TV to mà nếu phòng nghe lớn, TV cũng lớn thì không nên xếp vị trí ngồi nghe quá xa.

2. Phòng nghe có nhiều cửa sổ

Phòng có nhiều cửa sổ thì thoáng khí và có lợi cho sức khỏe, nhưng đó không phải là một phòng nghe lý tưởng. Căn phòng lý tưởng để làm rạp hát gia đình phải giống như rạp hát, nghĩa là không cần nhiều cửa sổ và có nhiều rèm. Rèm cửa có tác dụng hạn chế hiện tượng dội âm.

3. Mua loa đắt tiền mà chất lượng không cao.

sa2.jpg

Phòng nghe không nên có nhiều cửa sổ. (5nolans)
Nếu chỉ bỏ ra một khoản ngân sách hạn chế cho việc mua loa và nhận được chất lượng tương ứng với số tiền bỏ ra thì đúng là “tiền nào của nấy”. Nhưng có những người bỏ ra đến hàng nghìn USD cho một cặp loa mà chất lượng âm thanh không bằng bộ loa “cỏ” của nhà hàng xóm thì thật là “nóng mặt”. Vấn đề ở chỗ không phải loa đắt tiền đã là loa tốt. Muốn mua được loa tốt, trước hết bạn phải nghe thử. Mang CD hay DVD của mình đi và so sánh chất lượng của từng cặp loa một. Chọn đôi loa nào theo ý mình, ý kiến người khác chỉ là để tham khảo.

4. Mức âm lượng không cân bằng


Sau khi kết nối và đặt loa vào vị trí, bạn bắt đầu khởi động hệ thống, nhưng chẳng âm nào ra âm nào: Loa siêu trầm thì quá to, các đoạn hội thoại lại quá nhỏ, hiệu ứng âm thanh thì quá thấp. Điều này xử lý rất đơn giản.

Phần lớn các receiver trong hệ thống rạp hát gia đình đều có chế độ tự setup. Theo đó, bạn phải cung cấp cho nó các thong tin như khoảng cách giữa các loa với nhau, khoảng cách giữa loa với vị trí ngồi nghe. Receiver sẽ dựa vào đó mà điều chỉnh âm thanh. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất bạn phải chú ý nghe thử để điều chỉnh lại nếu cần.

5. Chưa đọc kỹ hướng dẫn sử dụng

Nếu bạn nghĩ những việc cài đặt là đơn giản thì bạn đã nhầm. Hệ thống nào cũng tuân theo một quy tắc chung nhưng cũng có những quy tắc riêng của nó. Người khôn ngoan lúc nào cũng phải “xem kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, làm quen với các tính năng và kết nối trước khi bắt đầu cài đặt.

6. Mua nhãn hiệu chứ không phải theo nhu cầu

sa3.jpg

Giải thoát phòng nghe khỏi dây dẫn. (Direct-comtech)

Nhiều người cho rằng nhãn hiệu quyết định chất lượng, điều này hoàn toàn sai lầm. Trong những thời điểm khác nhau, mỗi hãng có một sản phẩm “đinh” được thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sản phẩm nào của hãng cũng tốt.

Khi đi mua những thiết bị này, bạn không nên đặt tiêu chí nhãn hiệu lên hàng đầu mà phải cân đối giữa những vấn đề giá cả, chất lượng và nhu cầu. Giá cao không có nghĩa là thiết bị “ngon” cũng như đồ “ngon” chưa chắc đã phù hợp với thị hiếu của mình.

7. Loằng ngoằng dây nối

Mỗi khi có thêm một thiết bị mới là bạn lại phải thêm một đoạn dây mới. Theo thời gian, dây nối của bạn ngày càng nhiều thêm và lắm lúc chủ nhân của nó chẳng còn biết dây nào là của thiết bị nào.

Để tránh tình trạng lộn xộn trên, bạn nên chú ý không để dân dẫn của mình quá dài, chỉ đủ nối từ nguồn phát tới loa. Sử dụng màu sắc để phân biệt dây nọ với dây kia khi phòng nghe có quá nhiều thiết bị.

8. Sử dụng dây dẫn rẻ tiền

Dây dẫn là một phần tương đối quan trọng trong hệ thống rạp hát ra đình. Mỗi chi tiết nhỏ của dây sẽ góp phần tái tạo âm thanh một cách khác nhau. Những dây thanh mảnh, được quấn sơ sài sẽ không đủ khả năng truyền tải toàn bộ hiệu ứng âm thanh. Trong khi đó, các đoạn dây to bản, xù xì hình thức “kém” thì lại “chất” hơn.


Đức Thanh (theo About)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/2006/05/3B9AE0CE/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Chỉnh bass cho home theater

Mặc dù đã đầu tư một "núi tiền" vào bộ dàn xem phim với đầy đủ thiết bị tăng âm, thu, phát và hệ thống loa đa kênh, bạn vẫn cảm thấy chưa thoả mãn với âm thanh của nó. Trong đa số trường hợp, việc cài đặt lại hệ thống tỏ ra đúng đắn hơn là tốn thêm tiền nâng cấp.

Home_theater_B.jpg



Cài đặt hệ thống rạp hát gia đình không đến nỗi quá khó khăn. Với quyển hướng dẫn sử dụng receiver, bạn có thể tự cài đặt, ghép nối các thiết bị với nhau. Sau một số lần chỉnh sửa, bạn có thể làm cho hệ thống loa 5.1-7.1 của mình tái tạo âm thanh sống động như trong rạp chiếu phim. Loa siêu trầm (subwoofer) trình diễn tiếng bass mạnh đến độ cửa kính rung bần bật. Nhưng sau một thời gian nghe, bạn sẽ cảm thấy tiếng bass sao mà khó chịu, khiến người nghe thấy ấm ách trong lòng. Âm thanh giữa cặp loa chính và loa siêu trầm hình như lệch pha, trong khi bạn đã cài đặt đúng quy trình trong sách hướng dẫn. Việc tốt nhất nên làm lúc này là thử vài động tác set up đơn giản, xem tình hình có thể cải thiện được hay không.

Phần lớn những người mới chơi hệ thống hometheater chưa hiểu biết đầy đủ về kỹ năng kiểm soát tiếng bass. Kiểm soát tiếng bass nghĩa là khai báo cỡ loa (size) và điểm cắt tần số phù hợp nhất trên thiết bị điều khiển trung tâm receiver để mang lại khả năng xử lý tối ưu của cả hệ thống. Tuy nhiên, điểm cắt, tần số cắt là gì?


ho2.jpg


Crossover frequency (tần số cắt) là ranh giới giữa chế độ tần số được thiết lập cho loa trầm với chế độ tần số được thiết lập cho loa trung; hoặc tương tự như vậy, giữa loa trung và loa tép.

Crossover point (điểm cắt tần số) của loa subwoofer là điểm khống chế khoảng hoạt động của loa siêu trầm. Trên điểm đó là khoảng hoạt động của loa front, rear và center.

Large speaker là loa cỡ lớn, có dải tần xấp xỉ từ 20Hz đến 20kHz. Trong toàn bộ dải tần đó loa siêu trầm hoạt động mà không gây méo tần số. Do có thể hoạt động ở dải tần rộng như vậy, loa này không nhất thiết phải có subwoofer đi kèm.

Small speaker là loa cỡ nhỏ, không thể hoạt động trong toàn bộ dải tần từ 20Hz đến 20kHz. Vì vậy cần phải có thêm loa siêu trầm phối ghép với nó để có thể bổ sung hiệu ứng âm thanh ở khoảng tần số thấp. Chẳng hạn như tiếng đạn đại bác, tiếng sấm hoặc những nốt nhạc cực thấp trong dàn nhạc.

Receiver (còn có thể gọi là ampli tích hợp đa kênh) hay bộ xử lý đa kênh (preampli đa kênh) đều có chức năng kiểm soát tần số cắt cho các loa trong hệ thống rạp hát gia đình.

ho3.jpg


Một số receiver đời cũ hay các receiver đời mới rẻ tiền hoặc loại "tất cả trong một" thường thiết lập sẵn chế độ tần số cắt cố định (thường là ở mức 80 hay 90Hz). Đối với loại này, bạn không thể điều chỉnh kích cỡ của loa cũng như không thể điều chỉnh mức tần số cắt.

Loại receiver thứ hai khá phổ biến hiện nay, là loại thiết lập sẵn nhiều mức tần số cắt (còn gọi là variable crossover). Loại receiver này cho phép bạn có thể đặt chế độ loa ở cỡ lớn (large) hay nhỏ (small) và lựa chọn một trong các mức tần số cắt đã được định sẵn cho các loa để đạt tới sự phối hợp tối ưu giữa loa subwoofer và các loa khác.

Loại thứ ba là các receiver cao cấp do một số ít hãng sản xuất. Loại này sử dụng chipset Circus, cho phép người sử dụng tự thiết lập tần số cắt cho từng loa siêu trầm, loa chính (front), loa tay (rear), loa phía sau (rear back) và loa trung tâm (center). Receiver và preampli đa kênh loại này chỉ được sử dụng trong các hệ thống đa kênh đắt tiền và nó cũng đòi hỏi người sử dụng ít nhất phải có một chút chuyên môn kỹ thuật để thực hiện các bước cài đặt chính xác.

Việc cài đặt các thông số về tần số cắt cho loa trên receiver có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kiểm soát tiếng bass. Tuy nhiên, để có thể set up đúng hệ thống của mình, bạn phải hiểu được nguyên lý thiết lập mức cắt tần số và tác động của nó với chất lượng trình diễn tổng thể của hệ thống. Nếu cài đặt sai, bạn không thể nghe thấy hết các tầng trình diễn âm thanh trong đĩa DVD. Hơn nữa, việc cài đặt sai tần số làm cho các loa trong hệ thống bị hiện tượng rối tiếng và méo tiếng. Hiện tượng này nảy sinh do dải tần mà receiver thiết lập để cho các loa hoạt động không phù hợp với dải tần thực tế của loa và làm cho chúng không thể xử lý được.

(Còn tiếp)

Tân Huyền

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/2005/08/3B9AD588/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Chỉnh bass cho home theater (2)


Đối với một hệ thống quá chênh lệch (chẳng hạn loa chính là loại loa cột lớn nhưng loa surround lại là loa máy tính), việc cài đặt tần số cắt sẽ phải chấp nhận hy sinh một vài hiệu ứng surround để đảm bảo tính cân bằng chung.

Home_theater_B.jpg


Một kinh nghiệm trong việc xác định tần số cắt là căn cứ vào đường kính củ loa bass thành phần. Trong hệ thống loa vệ tinh với các loa bass đường kính từ 3-4 inch (7,5-10 cm), ta có thể thiết lập mức cắt tần số trong khoảng 100-120Hz. Đối với loa bookself, mức này là từ 60-100Hz. Đối với loa cột có bass lớn hoặc nhiều loa bass, bạn có thể thiết lập bất kỳ mức nào trong khoảng từ 40-80Hz. Đó là về lý thuyết, còn theo khuyến cáo của THX, bạn nên thiết lập mức cắt đồng loạt 80Hz và đặt cỡ loa "Small" đối với tất cả các loa.
Đối với hệ thống không đồng bộ (các loa thành phần trong hệ thống không cùng chủng loại), khi cài đặt mức tần số cắt crossover, cần chú ý những điểm sau:

Đặt tần số cắt ở mức tối thiểu mà cặp loa thành phần nhỏ nhất trong hệ thống có thể chịu đựng được. Nếu hệ thống của bạn quá chênh lệch (chẳng hạn loa chính là loại loa cột lớn nhưng loa surround lại là loa máy tính) thì sẽ phải chấp nhận hy sinh một vài hiệu ứng surround để đảm bảo tính cân bằng của cả hệ thống.

Thay đổi mức cắt tần số và cỡ loa sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều tới mức âm lượng của các loa. Vì vậy bạn nên test thử nhiều lần mức tiếng (level) của các loa thành phần cho tới khi bạn nhận thấy sự cân bằng tổng thể của cả hệ thống. Thông thường trong các receiver, mức level này được setup qua menu SPL.


hom2.jpg


Bên cạnh việc cài đặt đúng mức cắt tần số, ta cũng phải lựa chọn cỡ loa lớn (large) hay nhỏ (small) cho hợp lý. Một số người cho rằng việc đặt chế độ large sẽ làm loa bookshelf thể hiện tốt hơn! Đây là ngộ nhận tai hại. Việc thiết lập cỡ loa large có nghĩa là làm cho receiver hiểu rằng chiếc loa đó có thể hoạt động trong toàn dải tần từ 20Hz-20KHz và nó sẽ gửi tất cả các tín hiệu trong toàn dải tới loa mà không cắt đi dải tần nào. Trong trường hợp bạn không dùng subwoofer thì việc thiết lập chế độ large với một đôi loa cột có dải tần rộng là hợp lý. Nhưng nếu có loa siêu trầm thì việc thiết lập chế độ large có nghĩa là bạn đã để đôi loa chính xử lý khoảng dải tần cực thấp, trong khi đó lại là phạm vi xử lý của loa sub.

Trong khi đó, một đôi loa bookshelf dải tần từ 50Hz đến 20kHz 3dB không thể xử lý được những tín hiệu ở khoảng tần số dưới 50Hz. Nên nếu setup ở chế độ large thì trên thực tế nó sẽ gây ra hiện tượng méo tiếng hoặc phải loại bỏ những tín hiệu dạng sóng ở khoảng tần số thấp mà nó không thể tái hiện được. Giả sử toàn bộ tín hiệu tần số trong khoảng 25 - 50Hz được receiver gửi tới loa bookshelf, cặp loa này sẽ phải rất vất vả tái tạo những âm thanh ở khoảng tần số mà nó không được phép hoạt động. Tai hại hơn, những tín hiệu trong khoảng tần số thấp này cũng không được gửi tới subwoofer vì chiếc receiver đã bị "đánh lừa"!

Thực tế cho thấy, nếu thiết lập mức cắt tần số ở 80Hz thì các loa bookshelf sẽ hoàn toàn thoải mái trong việc xử lý các tín hiệu trong khoảng tần số mà nó có thể tái hiện tốt. Do đó, phát huy tối đa hiệu năng và giảm được hiện tượng méo tiếng.

hom3.jpg


Vậy, đáp án cuối cùng là phải cài đặt các loa bookshelf và loa vệ tinh ở chế độ small và dành những tín hiệu ở dài tần thấp cho loa siêu trầm xử lý. Ngoài ra, sóng âm ở khoảng tần số thấp dưới 120Hz có tính vô định hướng. Điều đó có nghĩa là việc đặt subwoofer ở một chỗ cố định cũng có thể tái tạo được âm thanh vòm nhờ vào khả năng của bộ xử lý surround trong receiver. Do đó, việc thiết lập chế độ small đối với tất cả các bookshelf, và loa vệ tinh, kết hợp với sử dụng subwoofer sẽ làm cho tiếng bass của cả hệ thống đạt tới sự hoà hợp.

Đối với loa cột lớn, việc setup chế độ small cũng đạt được hiệu quả tích cực. Mặc dù loa cột có dải tần rộng hơn rất nhiều so với loa bookshelf, nhưng nó không thể tái tạo được tín hiệu ở dải tần cực thấp, trong khoảng xử lý của subwoofer. Nếu thiết lập chế độ large cho loa cột thì cả loa cột và loa sub sẽ cùng xử lý dải tần thấp, do đó gây nên hiện tượng quá dư thừa tiếng bass. Khi cài đặt chế độ small và thiết lập mức tần số cắt ở khoảng 60Hz thì loa cột sẽ chỉ phải tập trung xử lý những tín hiệu âm thanh trên dải tần 60Hz. Như vậy, âm thanh được cải thiện đáng kể.



Tân Huyền

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/2005/08/3B9AD58B/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Bố trí hệ thống home theatre


Sắp đặt đúng quy cách hệ thống âm thanh trong một dàn home theatre (rạp hát gia đình) là bí quyết giúp bạn cảm thấy như đang tham gia thực sự vào các sự kiện khi xem phim.

Hệ thống nghe nhìn ngày nay đều có bộ loa từ hai chiếc trở lên. Một dàn home theatre thường gồm nhiều loa để tạo ra âm thanh vòng (surround sound). Âm thanh này được tái tạo từ nguồn âm như đầu đọc DVD. Âm thanh surround của DVD có nhiều kênh (multichannel), mỗi kênh điều khiển một loa hoàn toàn độc lập với nhau.

HT2_B.jpg

Dàn âm thanh bố trí đúng cách sẽ tạo cảm giác sống động như thật.

Hệ thống 5.1, 6.1, 7.1 là gì?

Hệ thống 5.1 là hệ thống căn bản của "rạp hát gia đình" hiện đại. Hệ thống 5.1 bao gồm: loa trung tâm (center), thường được đặt trên hoặc dưới màn hình, chủ yếu để phát ra lời thoại của nhân vật trong phim; hai loa chính (front hoặc main) đặt hai bên màn hình để tái tạo hầu hết các âm thanh trong phim; và hai loa surround bố trí hai bên, phía sau người xem, để phát ra tiếng nhạc nền và tiếng vọng.

Ngoài 5 loa trên còn có một loa subwoofer chuyên tạo ra các âm thanh siêu trầm. Kết quả là các hiệu ứng âm thanh sẽ làm cho chúng ta cảm thấy như đang nhập cuộc trong những cảnh phim cực kỳ hấp dẫn diễn ra trên màn hình. Hệ thống Dolby Digital và DTS thông thường được thiết kế trên cơ sở 5.1 này.

Hệ thống 6.1 và 7.1 được phát triển trên cơ sở 5.1 bằng cách thêm một hoặc hai loa surround đặt ngay phía sau người nghe, nhờ đó hiệu quả âm thanh vòng được cải thiện tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, muốn nghe được âm thanh 6.1 hoặc 7.1 bạn cần phải có ampli hỗ trợ các chuẩn này. Hệ thống 6.1 hoặc 7.1 còn được gọi là hệ thống Surround EX hoặc DTS-ES, chúng hoàn toàn tương thích với tiêu chuẩn Dolby Digital 5.1 (nếu bạn không có loa đặt phía sau thì bỏ trống kênh này).

Nên mua loa rời hay loa bộ?

Đa số các nhà sản xuất loa đều bán sản phẩm của họ theo từng bộ, thường theo cấu hình một loa subwoofer và một số loa vệ tinh (satellite) kích thước nhỏ. Điều đó làm cho việc chọn mua và lắp đặt bộ loa trở nên đơn giản hơn rất nhiều, đồng thời cũng giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều tiền so với việc mua lẻ từng loa.

Do hệ thống "rạp hát gia đình" cần những tiếng trầm rất mạnh nên các bộ loa thường có riêng một bộ subwoofer để chuyên tái tạo lại phần âm trầm. Thùng loa subwoofer thường có kích thước lớn và có lắp sẵn bộ khuyếch đại công suất ở bên trong. Mặt khác, do âm trầm không định hướng một cách rõ ràng nên chiếc loa subwoofer thô kệch thường được đặt ở chỗ khuất trong phòng (ví dụ sau rèm, dưới ghế sofa hoặc góc nhà) để không ảnh hưởng đến mỹ quan chung. Các loa vệ tinh thường có cấu tạo nhỏ gọn do không phải đảm nhận phần âm trầm, do vậy cũng dễ lắp đặt hơn.

Nhiều nhà sản xuất sử dụng cùng một kiểu loa giống nhau cho tất cả các loa vệ tinh, do đó chúng có cùng âm sắc, cùng đặc tính âm học. Một số hệ thống khác sử dụng loa giống nhau cho các vị trí phải, trái và giữa nhưng các loa surround hai bên và phía sau có khác chút ít để phù hợp với đặc tính truyền âm ở những vị trí này. Tuy vậy, đối với những không gian nhỏ hoặc vừa, bạn nên sử dụng các loa vệ tinh giống nhau.

Tất nhiên, để đạt được chất lượng âm thanh hay nhất, bạn hoàn toàn có thể dùng những thùng loa to, mua rời, có khả năng tái tạo lại toàn bộ phổ âm để lắp vào vị trí loa trái và loa phải. Các nhà sản xuất các loại loa này thường cũng cung cấp luôn cả loa center và loa surround hai bên để bạn lựa chọn. Một số loa đứng dạng cột cũng bao gồm cả loa subwoofer, rất thích hợp cho các hệ thống home theatre.

Nếu bạn quyết định chọn phương án mua các loa đơn lẻ chất lượng cao thì nên chọn loa của cùng một nhà sản xuất và tốt nhất là cùng một dòng công nghệ để đảm bảo tính đồng nhất về âm sắc và đặc tính âm học của bộ loa, đồng thời nên tuân theo các chỉ dẫn của nhà sản xuất về việc lắp ghép, phối hợp giữa các loa. Bạn cũng nên chú ý mua các loa có bọc bảo vệ từ trường (magnetic shielding) để tránh ảnh hưởng tới các thiết bị khác.

Bố trí các loa phía trước

Ba loa ở phía trước (center và hai loa chính) phải được đặt thẳng thành hàng ngang. Nếu bạn dự định xem phim hoặc nghe nhạc một mình là chính thì có thể bố trí các loa trên một cung tròn có tâm là vị trí ngồi xem. Ngược lại, nếu hệ thống của bạn dành cho cả gia đình nhiều người cùng thưởng thức thì nên bố trí các loa thẳng hàng theo mặt phẳng tivi. Chú ý đừng bao giờ bố trí các loa theo hàng không đều.

Nên sử dụng góc hẹp nếu xem phim, góc rộng dành cho nghe nhạc. Loa bên phải và bên trái nên đặt khép góc 45 đến 60 độ so với vị trí trung tâm. Một góc 45 độ là thích hợp nhất cho việc xem phim bởi vì khi lồng tiếng cho phim, người ta cũng sử dụng một góc như vậy. Ngược lại, nếu bạn sử dụng hệ thống để nghe nhạc là chính thì nên chọn một góc rộng hơn.

Cuối cùng, cả ba loa phía trước cần phải đặt ở độ cao càng giống nhau càng tốt, và tốt nhất là ở cùng độ cao với tai người nghe. Loa chính giữa thường được đặt trực tiếp lên đỉnh tivi, vì thế bạn nên sử dụng giá đỡ có độ cao điều chỉnh được để đỡ hai loa phải và trái.

Bố trí các loa surround
Trong hệ thống 5.1, các loa surround nên đặt đối xứng ở hai bên người nghe, hơi lùi về phía sau một chút (nhưng không phải là ở sau lưng) và đặt cao hơn vị trí tai người nghe, và hướng thẳng đứng chứ không nên chếch xuống vị trí ngồi nghe để tránh hiệu ứng tái định vị.

Nói chung, không nên gắn các loa surround lên bức tường phía sau. Tuy nhiên không phải căn phòng nào cũng cho phép bố trí loa surround ở hai tường bên. Khi đó, bạn cũng có thể sử dụng kệ hoặc giá đỡ bằng gỗ hoặc sắt cho các loa surround. Với độ cao thích hợp, giá đỡ cũng có tác dụng tốt không kém gì trường hợp gắn loa lên tường bên của căn phòng. Một điều các bạn cần lưu ý là chọn dây nối loa trong hệ thống âm thanh surround rất quan trọng. Nên chọn dây loa loại tốt, nhất là đường dây nối với loa surround có khoảng cách khá lớn, nếu dây nhỏ hoặc chất lượng kém sẽ làm suy giảm tín hiệu và gây ra hiện tượng méo tiếng và sai tiếng.

Dần dần, từng bước một, vừa sắp xếp, vừa nghe thử sau vài lần điều chỉnh vị trí các loa bạn sẽ tìm được giải pháp tốt nhất cho hệ thống âm thanh home theatre. Nhờ hệ thống âm thanh được chọn lựa và sắp xếp hoàn hảo, hình ảnh càng trở nên hấp dẫn hơn và gia đình bạn sẽ có những phút quây quần thưởng thức phim ảnh đầy thú vị ngay tại ngôi nhà thân yêu.

(Theo Nghe Nhìn)
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Để có phòng nghe tốt


Sẽ thực sự đơn giản với những ai am hiểu và sẽ trở thành “bất cứ thứ gì” nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm. Một vài thủ thuật sau đây, không quá khó và quá đòi hỏi về mặt kỹ thuật, có thể giúp bạn có được một phòng nghe như ý.

Tạp âm, kích thước phòng, cách bố trí thiết bị và vật liệu cách âm… tất cả chúng có thể là những "viên sạn trong" mà bạn khó nhận ra. Hãy tuân thủ một vài quy tắc khi lắp đặt phòng nghe, bởi tạp âm có thể xuất phát từ máy điều hoà, từ bên ngoài, từ chính dàn máy và thậm chí của chính phòng nghe tạo ra. Để biết được tạp âm xuất phát từ đâu, hãy nghe nhạc từ phía sau của loa.

Xử lý cách âm

nghe3.jpg


Vải sẽ có tác dụng hút tới 70% âm cao và phản hồi 100% âm trầm, chính vì vậy nếu sử dụng vải làm thiết bị cách âm thì bạn sẽ có cảm giác như tiếng bass lớn hơn và tiếng treble không còn nữa. Sở dĩ có kết quả tốt như vậy là do bản thân âm thanh trong phòng kín được tạo thành từ âm thanh trực tiếp và âm thanh phản hồi. Nếu âm thanh trực tiếp được phát ra gần với loa thì âm thanh phản hồi sẽ vang xa.

Chính vì vậy mà khi sử dụng vải làm thiết bị cách âm, âm phản hồi sẽ bị hút lại, giúp bạn thấy âm thanh mượt mà hơn. Tại các phòng chiếu phim, phòng karaoke, người ta thường sử dụng vải nhung làm thiết bị cách âm. Do đó việc tối kỵ là trong phòng nghe treo quá nhiều tranh ảnh, các vật liệu cứng, chúng sẽ làm bạn có cảm giác âm thanh không trong, có nhiều tạp âm.

Cách đặt loa

Một phòng nghe tiêu chuẩn phải có kích thước từ 15m2 trở lên, với diện tích này mới đủ để đặt các loa cách nhau ít nhất từ 3 m, và cách người ngồi khoảng 3,5 m và cách tường 1 m. Việc bố trí chỗ kê loa còn phụ thuộc vào kiểu dáng loa. Với những trần nhà cao quá 3m nên sử dụng những loa tháp, chú ý là với phòng nghe nhạc không nên thiết kế trần dạng vòm.

nghe1.jpg

Với những trần nhà quá cao nên sử dụng loa tháp.

5 nguyên tắc sau giúp bạn xác định được vị trí đặt loa một cách thích hợp nhất:

- Đặt cách xa tường và sàn nhà để tránh tiếng dội của âm bass.

- Dùng tai nghe để kiểm tra khoảng cách của các loa cho phù hợp. Thông thường hai loa tạo thành một tam giác đều là hợp lý nhất.

- Đặt loa hướng về phía người nghe.

- Tâm của màng loa tương đương với chiều cao ngang ngực của người nghe.

- Khoảng trống sau lưng của người nghe càng lớn càng tốt. Có thể đặt một tấm hút âm bằng mút hoặc xốp để chống các âm thanh dội từ tường lại.

Ampli

nghe5.jpg



Chất lượng của dây loa và cách đặt loa với ampli là rất quan trọng. Chẳng thế mà có những người không hiểu tại sao có những bộ dây lên tới hàng nghìn USD. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại nhãn hiệu dây loa nổi tiếng như: Van Den Hui, Transparent, Synergitic hay Purist Audio. Chất lượng của dây loa phụ thuộc hoàn toàn vào chất liệu chế tạo nên chúng (từ vàng, bạc, đồng, bạch kim hay hợp kim…), vào công nghệ chế tạo, vào tiết diện của dây, và vào thương hiệu của nhà sản xuất.

Theo nguyên tắc thì tiết diện của dây phải tỷ lệ thuận với độ dài mới có thể đảm bảo được chất lượng của âm thanh. Nếu dây có chiều dài 5 m trở xuống thì tiết diện của dây phải vào khoảng 1,5mm2, trên 5 m thì có tiết diện là 2,5mm2. Một điểm lưu ý không kém là không được phủ kín hoặc chồng máy lên ampli.

Vị trí thiết bị

nghe4.jpg



Thông thường ampli, đầu đĩa, dàn, thường được đặt trên kệ hoặc trong tủ gỗ kính với các vách ngăn. Nên đặt kệ hoặc tủ ở giữa phòng, nếu là tủ thì trong lúc sử dụng nên mở cửa tủ hoặc khoan các lỗ nhỏ phía sau giúp ampli được thoáng. Màn hình được đặt trên mặt tủ hoặc đặt cùng trên kệ nhưng ở vị trí trung tâm. Loa có thể đặt ở hai bên, cách tường hai bên và sau là 1m và cách người ngồi là 3 m.

Với những gia đình sử dụng phòng khách làm phòng nghe nhạc thì cách bố trí thiết bị là rất quan trọng. Chúng có thể mang lại cho gia đình bạn một phòng khách hiện đại và sang trọng. Nhưng có một điểm hết sức lưu ý, đó là màu sắc, hình khối và tính năng của các thiết bị âm thanh phải có sự kết hợp chặt chẽ. Những màn hình cỡ lớn từ 21 inch trở lên, đầu DVD riêng biệt cùng với những chiếc loa xinh xắn sẽ có ích hơn rất nhiều một dàn DVD trong hoàn cảnh này.

Có hàng ngàn cách khác nhau để có được một phòng nghe hoàn hảo, các thiết bị ngày càng hiện đại, vật liệu cách âm ngày càng tốt hơn và trình độ người nghe cũng ngày một tiến bộ. Một vài nguyên tắc trên đây giúp chúng ta có thể tự làm để có một phòng nghe như ý ngay trước thềm năm mới.

(Theo XHTT)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/2005/02/3B9ACDB8/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, em xin tiếp:">

Dây tín hiệu và dây loa


Dây tín hiệu và dây loa (gọi chung là dây dẫn), là những bộ phận quan trọng trong hệ thống hi-fi hoặc home theater. Việc chọn lựa loại dây thích hợp sẽ giúp âm thanh hay hơn và giúp bạn khai thác được hết khả năng của bộ dàn.

Khái niệm dây dẫn trong hệ thống hi-fi mà chúng ta bàn tới giới hạn ở các loại dây nối tín hiệu mức thấp và mức cao giữa các thiết bị trong bộ giàn với nhau. Trong thực tế, ta có thể phân loại như sau:

day1.jpg



Dây tín hiệu (Interconnect): có nhiệm vụ chuyển tải các tín hiệu mức thấp (thường từ vài milivolt đến vài volt) giữa các thiết bị nguồn (đầu đĩa than, đầu CD, tuner, đầu băng) với DAC, preampli và giữa preampli tới ampli công suất.

Dây tín hiệu cũng có một vài loại như sau:

Dây tín hiệu không cân bằng (Unbalanced Interconnect): thường có hai lõi và có đầu cắm kiểu RCA (bông sen). Nó còn được gọi là dây tín hiệu single-end.

Dây tín hiệu cân bằng (Balanced Interconnect): có ba lõi dây và sử dụng đầu nối kiểu XLR. Nó thường dùng cho các thiết bị có đầu vào và đầu ra cân bằng.

Dây tín hiệu jsố (Digital Interconnect): là một dây tín hiệu đơn truyền tín hiệu digital, thông thường từ CD transport hoặc các nguồn digital khác tới bộ xử lý digital. Dây digital có loại làm bằng kim loại (coaxial) và loại làm bằng plastic hoặc thủy tinh hữu cơ (optical).

day2.jpg


Dây loa (Speaker Cable): dây loa có nhiệm vụ chuyển tải các tín hiệu mức cao (vài đến vài trăm volt) từ ampli đến hệ thống loa.

Dây loa cũng có một vài loại như:

Dây loa đơn (còn gọi là single-end): mỗi đầu chỉ có hai cọc đấu, dây là kiểu phổ biến nhất hiện nay.

Dây loa bi-wire, tri-wire: mỗi đầu có 2 hoặc 3 cọc đấu, dùng cho các loa có thể đấu 2 hoặc 3 đường tiếng độc lập.

Dây loa có nhiều kiểu đầu cắm như: đầu kim thẳng, đầu kim cong, bắp chuối, càng cua... trong đó đầu bắp chuối và càng cua là phổ biến nhất trong các dây loa cao cấp. Nếu không có yêu cầu tháo ra tháo vào nhiều, bạn có thể dùng dây loa trần để trực tiếp vào cọc ampli và cọc loa cũng rất tốt.

Cấu tạo của dây dẫn và dây tín hiệu

Dây loa và dây tín hiệu thường gồm ba thành phần: sợi dẫn, điện môi (chất cách điện) và đầu cắm. Sợi dẫn có tác dụng truyền tín hiệu, điện môi là lớp chất cách điện bọc quanh các sợi dẫn và vỏ ngoài; còn đầu cắm là đầu nối giữa dây và thiết bị âm thanh. Những thành phần này tập hợp với nhau thành cấu trúc vật lý gọi là cấu hình dây. Mỗi thành phần đều có ảnh hưởng tới đặc tính âm thanh của dây.

day3.jpg



Sợi dẫn thường làm từ đồng hoặc bạc. Trong các dây cao cấp, độ tinh khiết của đồng có ý nghĩa rất quan trọng. Hợp kim đồng đôi khi chứa một lượng đồng nguyên chất và một phần tạp chất. Ví dụ, một sợi dẫn có 99,997% đồng nguyên chất, tức là nó chứa 0,03% hợp chất khác (có thể là sắt, sunfua, nhôm...). Nhiều người cho rằng đồng càng tinh khiết, âm thanh càng hay. Nhiều hợp kim đồng còn có tên là OFC (đồng không ngâm ôxy). Khi chế tạo dây đồng OFC, người ta đã loại bỏ phần lớn thành phần ôxy, hay nói chính xác hơn là được rút bớt đi khỏi hợp kim đồng vì thực ra, không thể loại bỏ hoàn toàn ôxy ra khỏi đồng. Như vậy, đồng sẽ đỡ bị ôxy hóa, đảm bảo cho lõi dây giữ được khả năng truyền dẫn ổn định.

Một chất liệu phổ biến khác dùng để chế tạo lõi dây là bạc. Dây làm từ bạc thường đắt hơn dây đồng, nhưng bạc cũng có ưu điểm của mình. Mặc dù tính dẫn điện của bạc chỉ cao hơn đồng chút xíu, nhưng bạc ít bị ôxy hóa hơn đồng. Điện môi là chất cách điện bao bọc quanh sợi dẫn. Chất điện môi có hấp thụ năng lượng, người ta gọi dây dẫn là hiện tượng hấp thụ năng lượng của điện môi.

Trong dây dẫn, hiện tượng hấp thụ năng lượng của chất điện môi có thể làm ảnh hưởng đến tín hiệu. Vì thế, chất điện môi có tác động lớn đến âm thanh của dân dẫn và mỗi chất điện môi lại có ảnh hưởng khác nhau. Dây dẫn bình dân thường dùng loại nhựa rẻ tiền làm chất điện môi. Còn dây tốt hơn thì thường dùng polyethylen. Tốt nhất là dây dùng polypropylene hoặc thậm chí là teflon. Vài công ty đã chế tạo ra một chất liệu gần như không khí để làm chất cách điện (tất nhiên chất cách điện tốt nhất là chân không). Có những hãng khác thì bơm không khí vào chất điện môi để tạo ra một hợp chất chứa nhiều không khí.


day4.jpg


Đầu cắm là một phần của dây dẫn. Các đầu cắm tốt sẽ làm cho âm thanh của dây hay lên nhiều. Người dùng luôn muốn đầu cắm của dây tiếp xúc rộng và chặt với ổ cắm của thiết bị. Một vài loại đầu RCA đôi khi có những khe nhỏ ở giữa chân cắm để nâng cao khả năng tiếp xúc với ổ cắm. Phần lớn các đầu cắm RCA cao cấp thường làm bằng đồng thông thường có pha một chút đồng thau để tăng độ cứng cho chất liệu. Hợp kim này thường được mạ bằng ni-ken, sau đó mạ vàng để tránh ôxy hóa. Ở một số đầu cắm khác, vàng được mạ trực tiếp lên đồng thau. Các chất liệu để làm đầu cắm còn có vàng và rô-đi.

Đầu cắm RCA và đầu cắm loa được hàn trực tiếp với lõi dây. Đa phần các nhà sản xuất sử dụng các chất hàn có pha chút bạc. Trong kỹ thuật hàn hiện đại, người ta không dùng chất hàn mà hàn trực tiếp sợi dẫn với đầu cắm bằng cách dùng một dòng điện lớn để làm nóng chảy điểm tiếp xúc giữa sợi dẫn và đầu cắm, khiến chúng liên kết lại với nhau, nâng cao khả năng truyền dẫn tín hiệu của dây.

day.jpg


(Còn tiếp)

(Theo Nghe Nhìn)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/2005/04/3B9AD094/
 
Chỉnh sửa lần cuối:

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Loa đắt khác loa rẻ ở đâu?


Giá trị của loa nằm ở thiết kế để tạo chất lượng âm thanh tuyệt hảo chứ không phải trang sức bề ngoài.

Những bộ loa đắt giá khiến người ta phải thắc mắc tại sao. Không giống nhiều món đồ công nghệ khác như điện thoại, laptop được nạm vàng, ngọc... giá trị của loa nằm trong thiết kế để tạo ra chất lượng âm thanh tuyệt hảo chứ không phải trang sức bề ngoài.

loa1.jpg

Cấu trúc của loa.


Trước hết, hãy tìm hiểu qua một chút về cơ chế hoạt động của loa. Về bản chất, dòng điện hai chiều AC từ một ampli chạy tới loa và chạy qua cuộn dây, biến cuộn dây điện thành một nam châm. Nam châm này tạo ra một trường điện từ giữa nó và nam châm vĩnh cửu gắn ở khung loa. Khi dòng điện thay đổi giữa cực âm và dương, các nam châm đó hút và đẩy nhau, làm màng loa di chuyển tới lui và phát ra âm thanh.

Khi nói về loa, người ta nghĩ đến một cái hộp với hình vòng tròn có lỗ - đó chính là bộ loa (loudspeaker system) và nó có vài loại loa bên trong gọi là các driver. Đó là do các driver (bộ phận điều hướng) được tinh chỉnh để truyền đi các tần số, bao gồm tần số cao (do loa "tép", còn gọi là tweeter hay treble, đảm nhiệm), tần số trung (loa trung - midrange speaker) và tần số thấp/siêu thấp (loa trầm/siêu trầm - woofer/subwoofer).

Những bộ loa bán ngoài thị trường không phải bộ nào cũng có đủ 3 loại driver này. Các sản phẩm cấp thấp và rẻ tiền thường chỉ có hai loa tép và không có loa trung, loa trầm. Chúng thường được cắm thẳng vào máy tính để nghe ở mức độ vừa phải. Dù vậy, "loa vi tính" cũng được các hãng nâng cấp lên đời 2.1, 4.1, thậm chí 5.1 có cả âm trung và trầm. Nhưng giới chơi dàn âm thanh thì lựa chọn bộ loa cẩn thận hơn, phải dành riêng cho đầu đĩa, ampli. Dù "loa vi tính" có thể cắm vào đầu đĩa CD bằng cáp chuyển đổi, chúng không được dân chơi ưa chuộng.


loa2.jpg

Loa đắt giá hàng trăm nghìn USD rất khác so với loa chỉ vài chục USD.

Có những yếu tố làm nên sự đắt giá của loa:

Mục tiêu của bộ loa

Mục tiêu cuối cùng và to lớn nhất của một bộ loa là "kêu như thật". Nhưng điều này rất khó đạt được, giống như con bướm đẹp mà những người yêu âm thanh (audiphile) luôn chạy theo đuổi bắt. Do đó, tầm vóc của bộ loa chính là khoảng cách đến độ "kêu như thật" bao xa. Khoảng cách này càng ngắn thì bộ loa càng giá trị.

Nói một cách kỹ thuật thì độ méo tiếng (chênh lệch giữa âm thanh nguồn và âm thanh tái tạo của loa) càng nhỏ thì bộ loa đó càng tốt. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kết cấu vật liệu để làm màng loa (giúp màng loa không bị méo dù rất nhỏ, khi phải rung động mạnh), dây loa để dẫn tín hiệu thông suốt...

Khi đi mua loa, người ta không quá quan tâm các thông số như watt mà nhìn vào độ nhạy (có giá trị là dB) và nghe thử. Người nghe tinh sẽ biết được bộ loa đó thích hợp cho loại nhạc nào và lựa theo đúng gu của mình. Không có bộ loa nào là hoàn hảo cho tất cả các loại nhạc.

3 đặc tính nổi bật

Dải động, nói đơn giản là khả năng hoạt động ở mức tiếng lớn hơn mà không có âm chói tai lẫn vào. Ở các loa tốt, người ta có thể bật to mà tiếng vẫn êm, giống như xe hơi tốt chạy đường trường, càng chạy nhanh càng thấy động cơ êm ái.

Bass tốt. Tiếng trầm tốt hơn không có nghĩa là to hơn mà là giàu nhạc tính hơn, vẫn thể hiện được chi tiết từng nốt nhạc. Người chơi thường gọi nôm na là tiếng trầm không tối, không mờ đục.

Âm sắc tự nhiên. Âm sắc chính là "tông màu" của âm thanh, được hiểu đơn giản là mức độ tự nhiên của âm thanh. Nếu bạn quen nghe giọng một người ngoài đời thực và nghe giọng người đó qua tiếng loa mà gần như giống nhau thì đó là bộ loa có âm sắc tự nhiên. Hoặc nếu hai nhạc cụ đánh cùng một nốt mà bạn có thể phân biệt rõ đó là nhạc cụ nào thì đó cũng là loa có âm sắc tự nhiên.

lo1.jpg

Loa đắt mà không được phối ghép trong hệ thống tốt thì cũng mất giá trị của nó. Ảnh: Teage.

Kích cỡ loa

Bạn không thể có một chiếc loa nhỏ kêu hay nên loa trong bộ dàn đắt giá luôn thuộc loại lớn. Chúng có loa trầm và loa tép lớn hơn bởi bề mặt rộng cũng đồng nghĩa với âm thanh hay hơn. Độ lớn này được đo bằng đường kính của loa, thông thường dùng đơn vị inch (1 inch = 2,34cm). Ví dụ, bộ loa 300 USD của một hãng "tên tuổi" cũng chỉ có một loa trầm 5 1/4 inch và loa tép 1 inch. Trong khi đó, bộ loa 3.000 USD có thể có 2 loa trung 5 1/4 inch và một loa trầm 10 inch. Thêm driver cũng giống như thêm dây cho đàn guitar để tạo ra âm thanh có sắc thái hay hơn.

Chất lượng

Loa tốt sẽ không làm méo tiếng nhiều khi âm lượng lớn hơn (dù độ méo tiếng bằng 0 vẫn là con số mơ ước của các nhà sản xuất). Để đạt được nhiều này, chất liệu làm loa phải rất tốt để màng loa khi rung mạnh không bị uốn cong và đây chính là nơi đầu tư tiền bạc, công sức nhiều nhất. Nhiều hãng sản xuất đã dùng vật liệu cứng dùng trong ngành hàng không, vũ trụ, như beryllium, các dây dẫn cũng có cấu trúc và chất liệu rất tốt. Nếu chất liệu là đồng, chúng sẽ nóng lên, biến dạng và chảy ra - cả driver sẽ biến thành một đống sắt vụn. Ngoài ra, loa tốt còn có mạng lưới chia đường tiếng rất tinh tế để tín hiệu đi tới nơi cần đến. Điều này cũng đồng nghĩa với giá thành cao hơn.

Phối hợp các thành phần của bộ dàn

Nếu bộ loa đắt giá và hay mà không được phối ghép trong hệ thống tốt, không đặt trong phòng nghe chuẩn thì cũng mất đi giá trị của nó. Do đó, những người biết phối ghép sẽ làm nổi đặc tính của bộ loa và biến nó thành một món đồ quý giá. Trong trường hợp này, một bộ loa hay trong giới hạn 3.000 USD có thể làm người nghe kinh ngạc hơn sản phẩm 10.000 USD được phối ghép tồi.


Việt Toàn (theo Gizmodo)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/Loa/2009/04/3B9AFF7A/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Kỹ thuật sắp đặt loa siêu trầm


Việc sắp đặt loa siêu trầm (subwoofer) trong hệ thống âm thanh để nghe tiếng bass đầy đặn hơn cũng khá đơn giản, cái khó là làm sao cho âm bass của nó kết hợp hài hòa với âm thanh của các loa khác.

su1.jpg




Do cấu trúc đặc biệt của subwoofer nên tiếng bass của nó nghe khác so với tiếng bass cột hay bookself. Loa siêu trầm được thiết kế để tạo ra nhiều âm trầm thấp nhất của dải tần với tốc độ chậm, chứ không phải những tiếng trầm chi tiết, nhanh gọn, rõ ràng như ở các loa bass thông thường. Nếu được sắp đặt hợp lý, âm thanh sẽ trở nên nhẹ nhàng, êm ái, không quá mạnh mẽ; ngược lại thì tiếng rất nặng nề, mệt mỏi, gượng gạo.

Tính hài hòa giữa loa siêu trầm và toàn bộ hệ thống sẽ dễ đạt hơn khi bạn mua trọn bộ hệ thống loa từ cùng một nhà sản xuất vì chúng sẽ hợp tác với nhau nhịp nhàng hơn. Nếu bạn vẫn lựa chọn loa siêu trầm của một nhà sản xuất khác, hãy dùng một số núm điều khiển trên loa để phối hợp âm thanh siêu trầm với âm thanh toàn hệ thống.

Thông thường, trên bảng điều khiển của loa sub có một vài nút điều chỉnh, có tên: nút chỉnh âm lượng, nút điều khiển tần số cắt, nút điều chỉnh pha (phase). Mỗi nút có một đặc điểm riêng.


su2.jpg


Nút chỉnh âm lượng có tác dụng chỉnh âm lượng (cường độ âm thanh) phát ra từ subwoofer. Chỉnh nút này quá lớn, tiếng siêu trầm sẽ lấn lướt, gây ra quá nhiều trầm, nghe nặng nề. Chỉnh quá nhỏ, hiệu quả của sub tạo ra sẽ không rõ ràng.

Nút điều khiển tần số cắt để đặt tần số cắt cho loa. Tần số cắt là tần số tại đó diễn ra sự chuyển giao âm thanh giữa loa siêu trầm và các loa còn lại. Các tần số dưới tần số cắt sẽ được loa siêu trầm đảm trách. Nếu bạn chỉnh tần số cắt quá thấp thì dải âm sẽ xuất hiện một khoảng bị "hẫng", ở đó có những tần số bị "bỏ rơi", không loa nào chịu trách nhiệm. Đặt tần số cắt cho loa siêu trầm quá cao cũng khiến cho việc kết hợp giữa các loa không đồng bộ. Do vậy, tìm ra đúng tần số cắt cho loa siêu trầm là rất quan trọng để có được sự hài hòa trong âm thanh toàn hệ thống. Hầu hết sách hướng dẫn sử dụng loa loại này đều hướng dẫn người dùng cách cài tần số cắt. Thông thường, tần số cắt của loa siêu trầm càng thấp thì càng tốt.

Nút điều chỉnh pha (phase) có dạng một công tắc gạt hoặc một chiết áp. Bạn hãy tưởng tượng hai sóng âm phát ra cùng một lúc từ loa siêu trầm và loa toàn dải. Vì nhiều lý do, hai sóng âm này có thể bị lệch pha, hoặc ngược pha. Núm điều chỉnh pha sẽ giúp làm trễ sóng của loa siêu trầm để phát ra cùng lúc với sóng loa thường. Khi có sự trùng pha giữa các sóng âm, âm thanh sẽ trở nên thống nhất, hài hòa hơn.


su3.jpg


Để điều chỉnh cho sóng âm trùng pha nhau, bạn có thể ngồi nghe rồi nhờ một người chỉnh núm phase cho tới khi bạn thấy tiếng bass mềm nhất. Mặc dù âm thanh siêu trầm hầu như không có hướng tính, nhưng vị trí của loa siêu trầm cũng ảnh hưởng đến lượng tiếng bass cũng như khả năng phối hợp giữa tiếng loa siêu trầm và loa khác trong hệ thống. Đặt đúng chỗ, dải trầm sẽ trở nên trong trẻo, chắc chắn, linh hoạt và dứt khoát, đồng thời tiếng loa sẽ khớp với toàn bộ âm thanh còn lại. Song, nếu đặt không đúng chỗ, nó sẽ phát ra những tiếng bass nặng nề, chậm chạp, thiếu chi tiết... và bạn sẽ cảm thấy subwoofer và các loa còn lại trình diễn rời rạc, chả có gì ăn nhập với nhau. Nếu bạn muốn nghe tiếng siêu trầm mạnh và rõ hơn, hãy đặt nó gần chỗ ngồi nghe vì âm thanh khi ấy sẽ đi thẳng đến tai nghe nhiều hơn, bạn không phải nghe âm thanh phản xạ.

Một điều nên lưu ý nữa, loa siêu trầm không nên đặt chính giữa hai bức tường. Ví dụ: phòng rộng 6 m, bạn không nên đặt loa cách mỗi tường 3 m. Tương tự, không nên đặt loa siêu trầm trong góc phòng với khoảng cách đều nhau từ loa tới hai bức tường bên.


(Theo Nghe Nhìn)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/2005/07/3B9AD45B/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Chọn mua receiver (1)

Receiver là trái tim của hệ thống rạp hát gia đình, do vậy, khi mua thiết bị này, ngoài việc trang bị cho mình một số thông tin về sản phẩm cần mua, bạn phải biết rõ mục đích của mình là gì và biết đầu tư theo đúng hướng để thiết bị không bị lạc hậu trong tương lai.

Với sự gia tăng xu hướng "đem rạp hát về nhà" thì nhu cầu mua sắm receiver ngày càng trở nên phổ biến. Song, làm thế nào để chọn được một receiver hợp lý cũng là chuyện không đơn giản. Số Hóa đã nhận được khá nhiều thư độc giả xung quanh vấn đề này. Dưới đây là một số nét chính mà người đi mua receiver cần biết.


Receiver xem phim và receiver nghe nhạc

lu1.jpg

Receiver đa kênh hiệu Pioneer. (Agapetreasure)

Về nguyên lý khuyếch đại âm thanh, receiver giống như ampli (tăng âm). Nhưng khác với ampli, receiver còn được trang bị thêm một số tính năng khác, như nhận sóng AM, FM, tiếp nhận và xử lý các tín hiệu video/audio từ các nguồn âm khác, giải mã và chuyển đổi tín hiệu từ digital sang analog, giải mã và xử lý tín hiệu dưới dạng Dolby, DTS...

Có 2 dạng receiver chính: Stereo receiver - hai kênh và multi-channel receiver - đa kênh (ví dụ: 5.1, 7.1, 9.1). Với những tính năng phong phú và tiện dụng như vậy, receiver hoàn toàn có thể vừa được dùng để xem phim, nghe nhạc, vừa dò đài và sử dụng với nhiều mục đích khác, tùy theo mức độ thiết kế của nhà sản xuất. Tuy nhiên, receiver được ứng dụng phổ biến trong hai tính năng chính: Xem phim và nghe nhạc đa kênh. Tất nhiên, receiver cũng có thể dùng để nghe nhạc hai kênh, nhưng trong phần lớn trường hợp, chất lượng âm thanh ở chế độ stereo truyền thống của một receiver không thể bằng chất lượng âm thanh của một tăng âm stereo chuyên dùng để nghe nhạc. Vì vậy, nếu không quá cầu kỳ, bạn có thể sắm một receiver vừa dùng để xem phim, vừa nghe nhạc. Còn nếu là người sành nghe, bạn nên nghĩ tới một hệ thống thứ hai, ngoài receiver và loa đa kênh dùng vào việc xem phim.

Tính năng của receiver, thế nào là đủ?

lu2.jpg

Tính năng THX có thể đẩy giá của receiver lên hàng triệu đồng. (Audioholics)

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các nhà sản xuất liên tục cải tiến sản phẩm và đưa ra những tuyên bố rất ấn tượng về những tính năng của một receiver đời mới. Người tiêu dùng thường ngợp trong vô số thông tin kỹ thuật cùng với những tính năng được "đánh bóng". Tất nhiên, đi kèm với nó là mức giá "ngất ngưởng". Do vậy, khi mua, bạn cần phải tỉnh táo, cân nhắc thật kỹ giữa mức độ sử dụng và khả năng khai thác các tính năng của receiver sắp mua.

Ở đây có một nghịch lý, những tính năng ưu việt của receiver thường lại là những tính năng rất ít được sử dụng. Một số tính năng thường được các nhà sản xuất "lăng xê" là: Tự động "set up" phòng nghe, tính năng "nhiều phòng nghe" (multi zone) hoặc "phòng nghe thứ hai" (second zone); hay như chứng chỉ THX, khả năng hỗ trợ các kết ối HDMI, i-LINK... Bạn có thể phải trả thêm hàng triệu đồng để có thêm một trong các tính năng đó, nhưng rồi có thể chẳng bao giờ sử dụng đến chúng. Vì thế, cần cân nhắc thật kỹ, bạn chỉ nên bỏ tiền ra mua các tính năng mà thực sự cần mà thôi.

Đầu tư cho sự hiệu dụng và để tránh lạc hậu trong tương lai

lu3.jpg

Có thể lựa chọn thiết bị có sẵn cổng Ethernet. (Hifi-regler)

Cân nhắc kỹ không có nghĩa là tiết kiệm. Người dùng vẫn có thể "đón đầu công nghệ" bằng cách mua một thiết bị có sẵn những tính năng ứng dụng được trong tương lai. Chẳng hạn, có thể lựa chọn các thiết bị có sẵn các cổng kết nối Ethernet, kết nối với các thiết bị giải trí cầm tay như iPod, hoặc mạnh dạn mua một thiết bị hỗ trợ HDMI vì biết đâu trong một tương lai không xa, công nghệ này lại trở nên phổ biến.

Tốt nhất là bạn nên có một "quy hoạch" dài hạn cho việc mua sắm các thiết bị điện tử giải trí trong gia đình, trong đó receiver là một thành phần trong hệ thống đó. Như vậy, bạn sẽ có quyết định hợp lý nằm trong tính toán tổng quan chung của việc đầu tư.

Ngân sách đầu tư cho receiver cũng là một vấn đề cần cân nhắc kỹ, dựa trên các yếu tố: Mức độ cầu kỳ trong thưởng thức âm thanh, hình ảnh, diện tích phòng nghe, hệ thống loa mà bạn đang có hoặc sẽ sắm và khả năng kinh tế. Chỉ nên mua receiver cao cấp trong trường hợp người mua đang chuẩn bị cho một phòng giải trí hiện đại, tiện nghi với những thiết bị "đẳng cấp" và bản thân họ phải có ít nhiều kinh nghiệm về "chơi" receiver. Điều kiện tài chính là yêu cầu bắt buộc. Bằng không, bạn chỉ nên lựa một sản phẩm ở mức trung bình, để phục vụ nhu cầu xem phim cùng với một vài tiện ích khác và dành tiền cho những nhu cầu khác thiết thực hơn.

(Còn tiếp)

Lê Thanh tổng hợp

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/2006/05/3B9AE04C/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Chọn mua receiver (2)

Khi mua receiver, cần phải hiểu các thông số trên catalogue, và biết thử thiết bị. "Test đồ" là khâu quan trọng nhất. Nếu không tự tin vào đôi tai mình, bạn có thể rủ một vài người bạn đi cùng để cho đánh giá khách quan.

Xác định công suất của receiver


luu1.jpg

Receiver hiệu Harman Kardon. (Amazon)

Công suất của receiver khá quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng âm thanh của toàn hệ thống. Trong trường hợp công suất receiver không đủ, khi bạn vặn volume lớn tiếng, sẽ có hiện tượng "méo" âm, vỡ tiếng, lúc này tín hiệu đầu vào của nguồn âm đã bị biến dạng và gây nên những cảm giác rất khó chịu, bực bội. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên chọn receiver có công suất dư một chút.

3 nhân tố chính cần xem xét trong việc lựa chọn công suất của receiver, đó là: Sở thích cá nhân, diện tích phòng nghe và độ nhạy của hệ thống loa. Nếu phòng nghe của bạn rộng và bạn thích thưởng thức màn âm thanh uy lực, tràn đầy với tiếng bass sâu hoắm, một receiver công suất lớn sẽ là đối tác lý tưởng. Ngược lại, nếu phòng nghe khiêm tốn và không muốn hàng xóm phải lên tiếng về những tiếng bass đập rầm rầm phát ra từ nhà bạn, thì việc mua một receiver công suất lớn sẽ là sự lãng phí không cần thiết.

Các nhà sản xuất sẽ ghi công suất của receiver trên vỏ máy hoặc catalogue. Đó là một trong những dữ liệu chính để tham khảo. Tuy nhiên, do sức ép cạnh tranh, rất nhiều nhà sản xuất hiện nay có xu hướng phóng đại công suất của receiver. Một số thiết bị rẻ tiền chỉ ghi công suất đỉnh (peak) trên vỏ máy và rất nhiều thiết bị tầm trung và thậm chí đắt tiền, ghi công suất RMS (công suất hiệu dụng) không chính xác.

Để ước tính công suất thực của một receiver, bạn nhìn vào công suất tiêu thụ điện của máy (receiver công suất lớn sẽ tiêu thụ nhiều điện năng), kích thước và cân nặng (các receiver công suất lớn sẽ có bộ nguồn lớn, phức tạp và do đó thường có trọng lượng nặng, kích thước lớn).

Thông số trên catalogue có đáng tin không?


luu2.jpg

Không nên tin tưởng quá nhiều vào thông số trên catalogue. (Electronics Superstone)

Như đã đề cập ở trên, nhiều nhà sản xuất có xu hướng phóng đại những thông số kỹ thuật của máy, làm sao để có những thông số tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Ngoài thông số về công suất, một vài thông số khác như tỉ lệ S/N, độ méo,... cũng được "đẩy" lên để làm đẹp sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất còn đưa ra những tính năng với lời giới thiệu rất hấp dẫn. Trong một số trường hợp, các tính năng đó là thành quả của những công nghệ tiên tiến. Nhưng cũng trong một số trường hợp, người tiêu dùng vì tin vào những tính năng, thông số lý tưởng của nhà sản xuất, cộng với những lời lẽ ngọt ngào của người bán hàng mà bỏ ra một đống tiến để rước về những tính năng mà chưa thể khai thác được.

Lời khuyên là: Không nên quá tin vào catalogue mà nên tin vào đôi tai mình khi kiểm tra thiết bị.

Thử receiver như thế nào?

luu3.jpg

Phải nghe thử trước khi quyết định mua. (Hometheater magazine)

Thử là khâu rất quan trọng trong quá trình chọn mua receiver. Bạn cần "test" thật kỹ để tìm ra những ưu, nhược của thiết bị và dự đoán khả năng phối ghép với hệ thống ở nhà. Nếu không tự tin vào đôi tai của mình, có thể mời thêm một hoặc vài người bạn có kinh nghiệm cùng đi nghe để đánh giá. Để đánh giá đúng chất lượng của một receiver, cần thử ở cả hai chế độ: Xem phim và nghe nhạc.

Ở chế độ xem phim, một receiver tốt có khả tái tạo âm thanh giống thật nhất. Tiếng thuỷ tinh vỡ, tiếng mưa rơi, tiếng máy bay trực thăng lượn qua đầu, tiếng đạn đại bác bắn, tiếng rít của phanh ôtô, tiếng động ồn ào của đường phố đông người,... phải giống hoặc ít nhất là gần giống với thực tế, đem lại cảm xúc đối với người nghe chứ không bị cường điệu hoá, gây nên cảm giác giả tạo, thiếu tự nhiên. Bạn cũng cần chú ý tới cường độ và tiết tấu xử lý âm thanh của thiết bị ở những đoạn cao trào trong một bộ phim.

Rất nhiều receiver trình diễn rất tốt khi xem phim, nhưng lại hoàn toàn thiếu thuyết phục khi chuyển sang chế độ nghe nhạc. Bạn cần chú ý lắng nghe và đánh giá xem giọng hát của các ca sĩ có trung thực và truyền cảm không, sân khấu âm thanh có rộng rãi, sống động, tự nhiên không, âm thanh được tái hiện lại của các nhạc cụ thế nào (đặc biệt tiếng piano, violon và bộ gõ). Ngoài ra, còn phải quan tâm đến độ chi tiết tổng thể của màn âm thanh, như những tiếng động nhỏ như tiếng lấy hơi của ca sĩ, tiếng gõ khẽ của xanh-ban, tiếng miết tay trên phím đàn,... đều phải được tái hiện.

Ngoài việc nghe thử ở hai chế độ, cũng cần phải "test" các tính năng khác của máy, kết nối receiver với từng nguồn phát như đầu đọc CD, đầu DVD, TV, đầu kỹ thuật số,... và thử xem khả năng xử lý của nó thế nào.

Những vấn đề khác


luu4.jpg

Kiểm tra cả tay cầm điều khiển. (Amazon)

Tay điều khiển của receiver: Một điều khiển được thiết kế chắc chắn, có nhiều tính năng, tiện dụng và có khả năng học lệnh (learning) là yếu tố cần quan tâm.

Ngoài ra, cũng phải chú ý tới giao diện của thiết bị. Màn hình máy phải to, các thông số được hiển thị rõ khi yêu cầu và có thể nhìn được từ vị trí ngồi xem. Hiện nay, phần lớn receiver đời mới đều có khả năng kết nối để người dùng có thể điều khiển trực tiếp trên màn hình TV. Bạn cũng cần chú ý đánh giá xem các menu điều khiển của receiver có dễ sử dụng không, khả năng "set up" các thông số như thế nào. Nếu không phải là người rành kỹ thuật, bạn nên quan tâm đến một receiver có khả năng cài đặt dễ dàng, đơn giản.


Lê Thanh tổng hợp

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/2006/05/3B9AE04D/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Chọn loa - chuyện không đơn giản

Trong tất cả mắt xích của hệ thống âm thanh, loa là thiết bị có vẻ đơn giản, nhưng cũng nhiều "bí ẩn" nhất. Nhiều kỹ sư, nghệ nhân đã dành cả đời mình trăn trở trong lĩnh vực vừa khoa học vừa nghệ thuật là chế tạo loa. Đối với người chơi âm thanh, đi chọn mua loa cũng vất vả không kém.



loa.jpg

Chọn loa là công việc phức tạp, ngay cả đối với dân chuyên nghiệp.

Thực tế trên thị trường có vô số loa với giá cả và chất lượng khác nhau. Thông thường, giữa giá cả, tên tuổi và chất lượng âm thanh không phải lúc nào cũng có quan hệ thuận chiều. Nhiều bộ loa đắt tiền mà trình diễn lại rất "ít tiền". Ngược lại, có những loa khá tốt mà giá lại chỉ bằng một phần những bộ loa đắt tiền kia.

Vậy nên, khi bắt đầu cuộc hành trình đi tìm loa, bạn hãy chọn điểm xuất phát là các tạp chí viết về các sản phẩm nghe nhìn, nơi có những bài viết khá khách quan về chất lượng các loa. Kế đến là tham khảo bạn bè có sự hiểu biết và kinh nghiệm chơi âm thanh nhiều năm. Sau đó, bạn lập một danh sách các sản phẩm cảm thấy thực sự xứng đáng được quan tâm trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của bạn. Giờ đây, danh sách các "ứng viên" sẽ ngày càng ngắn gọn hơn, giúp bạn chọn lựa nhanh chóng và dễ dàng.

Sự chọn lựa cẩn thận sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Thậm chí bạn còn có thể mua được cặp loa hay hơn mức mà bạn nghĩ là bạn có thể bỏ tiền ra mua được. Dưới đây là các tiêu chí bạn nên căn cứ khi chọn một sản phẩm loa.

1. Kích cỡ, hình thức và sự tương thích với phòng nghe

loa2.jpg

Kích thước phải phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Một số người thích kích thước loa phối hợp hài hòa với nội thất trong phòng. Ngược lại, có người lại muốn hệ thống hi-fi trở thành bộ phận trung tâm trong phòng và họ không quan tâm đến kích thước to hay nhỏ của loa. Hình thức loa cũng là yếu tố phải quan tâm. Một thùng loa xấu xí ắt hẳn sẽ gây phản cảm khi nó đứng bên cạnh những bộ đồ gỗ quan trọng.

Nhiều cặp loa hi-end có kết cấu rất đẹp đã tôn thêm nét sang trọng trong ngôi nhà của bạn. Tuy nhiên, những bộ loa đó thường khá đắt. Khái niệm loa "book-shelf" chỉ dùng cho các cặp loa nhỏ, nhưng loa "giá sách" sẽ không bao giờ trình diễn được hết vẻ đẹp âm thanh vốn có khi bị đặt trên giá sách. Nên đặt chúng trên kệ loa, bởi vị trí này giúp loa tạo âm hình đẹp và trong trẻo hơn.

2. Tương hợp giữa loa và hệ thống dàn

Đầu tiên là độ nhạy của loa, tạm hiểu là độ lớn âm thanh mà loa có thể đưa ra với một mức công suất ampli nhất định. Độ nhạy của loa được đo bằng mức nén âm thanh từ khoảng cách 1 m khi loa được cấp 1 W công suất. Độ nhạy là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá khả năng "kêu to" của loa ở mức công suất ampli nhất định. Để phát một thanh áp 100 dB, loa có độ nhạy 80 dB đòi hỏi mức công suất là 100 W. Loa có độ nhạy 95 dB chỉ cần 3 W là có thể đưa ra mức âm thanh như nhau.

Độ nhạy cứ giảm 3 dB thì ampli phải có mức công suất cao gấp đôi thì mới đưa ra được mức âm tương tự. Chọn loa có độ nhạy trên 90 dB sẽ dễ ghép với các ampli. Chơi ampli đèn SE công suất nhỏ thì cần loa có độ nhạy cao.

loa1.jpg


Một yếu tố khác về điện tử mà bạn cần chú ý là trở kháng loa. Nếu trở kháng loa càng thấp thì yêu cầu đặt ra đối với ampli phải có trở kháng ra cũng thấp và công suất phải cao. Nếu bạn chọn loa trở kháng thấp, phải xem ampli công suất ở nhà mình có đủ sức kéo loa hay không.

Về nhạc tính, bạn nên chọn những loa có âm thanh càng tự nhiên càng tốt. Sẽ là sai lầm nếu đầu CD hoặc ampli của bạn nghe thiên sáng mà bạn lại cố tìm loa có âm thanh mềm hoặc "đần" trong dải treble.

3. Sở thích nghe nhạc

Loa hoàn hảo là loa chơi xuất sắc các thể loại nhạc, từ thính phòng giao hưởng đến nhạc rock. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể tìm được những cặp loa như vậy nên, tốt nhất, chúng ta hãy đưa ra các thứ hạng ưu tiên. Nếu bạn hay nghe nhạc hòa tấu và phòng nghe nhỏ thì loa book-shelf là sự lựa chọn thông minh. Ngược lại, nếu bạn mê nhạc rock thì cần âm thanh có độ động lớn, độ mở tần số thấp cao và tiếng bass khỏe nên có thể chọn loa cột, loa lớn...

Mỗi loa có thể mạnh và điểm yếu khác nhau. Tìm được loa hợp sở thích nghe nhạc, bạn sẽ được thưởng thức màn trình diễn tốt nhất. Khi đi mua loa, hãy mang theo vài chiếc CD có những thể loại nhạc bạn ưa thích nhất để thử. Cặp loa nào đáp ứng tốt nhất là cặp loa bạn nên chọn mua về.

Chọn nơi bán hàng: Đầu tiên, hãy chọn các cửa hàng âm thanh sẵn lòng cho khách hàng nghe thử nhiều loa khác nhau và tặng bạn những lời khuyên bổ ích về việc phối ghép hệ thống cũng như chỉ cho bạn thấy ưu nhược điểm của từng chiếc loa. Cần lưu ý là nhiều cửa hàng không đồng ý cho bạn mang loa về nhà nghe thử


(Theo Nghe Nhìn)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/Loa/2005/01/3B9ACD78/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Chuyện về chân loa

Sắm được cặp loa tốt không có nghĩa là chắc chắn bạn sẽ có được âm thanh hoàn hảo nếu không chú ý đến một chi tiết nhỏ: những cặp chân loa.


chanloa1.jpg

Chân loa của Việt Nam sản xuất có giá hợp lý và chất lượng khá.

Đối với dân chơi "trọc phú", không hiếm chuyện dàn loa giá thành khá đắt song được xếp đặt rất cẩu thả, cái thì đặt trên mặt tủ, cái thì đặt thẳng xuống đất bên cạnh ghế sofa, hoặc đặt cả hai trên nóc tủ tường cao hơn tầm với.

Một dàn máy hi-fi luôn phải tạo ra âm thanh lập thể và chúng ta có 2 tai có khả năng nghe như nhau, cho nên theo logic, hai loa phải được đặt một cách đối xứng ở phía trước ngang tầm với người nghe.

Mặt khác, do cấu tạo loa và tần số cao thường có tính định hướng rất rõ nên các loa tép phải được đặt ở vị trí ngang tầm tai nghe. Như vậy, trừ trường hợp bạn có may mắn được sở hữu một cặp loa dạng cột đứng, thì việc sử dụng các chân loa chuyên dụng là tối cần thiết để thoả mãn tốt nhất mọi điều kiện trên.

Các nhà sản xuất có nhiều sản phẩm chân loa khá phong phú, phù hợp cho mọi chủng loại loa lớn nhỏ. Tại Việt Nam, Lioa và nhiều nhà sản xuất khác có bán một số kiểu chân loa với độ cao khác nhau, có chất lượn khá với giá cả hợp lý (300.000-450.000 đồng/đôi).

Khi sử dụng chân loa bạn sẽ có cảm giác "nhận biết" được không gian và môi trường của bản nhạc, toàn cảnh âm thanh lập thể hiện ra một cách rõ ràng, ổn định, chính xác và có chiều sâu. Hoàn toàn khác so với việc nghe cũng âm thanh đó phát ra từ đôi loa khi không được đặt đúng cung cách và vị trí. Ngoài ra, âm trầm được thể hiện tự nhiên hơn, chắc chắn không rườm rà hay kéo đuôi và có tiếng phập phùng giả tạo.

chanloa.jpg

Các đầu côn kim loại chống rung.

Chân loa nên làm bằng kim loại, càng nặng càng tốt. Bạn có thể dựa vào mẫu chân loa có sẵn để thuê thợ làm bằng thép ống, khi đó, nên đổ đầy cát khô vào các ống thép để chân loa thêm nặng và chắc chắn. Hãy dùng băng dính hai mặt loại dày để dán đế loa với mặt trên của chân đỡ loa, tránh khi bị va chạm, loa sẽ rơi khỏi giá đỡ.

Nếu như bạn dã có một cặp loa dạng cột đứng, bạn nên tìm mua hoặc thuê tiện các đầu côn kim loại chống rung gắn vào đáy cột loa để cách ly loa với mặt sàn. Mua một miếng đá xẻ dày khoảng 8-10 cm đặt giữa chân côn của loa với mặt sàn cũng là một giải pháp chống rung rất tốt.

(Theo Nghe nhìn)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/Loa/2004/12/3B9ACAE1/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Cấu tạo của thùng loa

Ai biết chơi guitar đều hiểu thùng đàn có tác dụng như thế nào đối với âm thanh của cây đàn. Tương tự như vậy, thùng loa chiếm tới 50% chất lượng của một bộ loa. Thùng có tốt, loa mới hay. Đó là cũng là một "chân lý".


Có nhiều người đã nghĩ thùng loa chính là bộ phận ít chất "kỹ thuật" nhất trong một bộ loa. Chỉ là một khối hộp bằng gỗ chứa các loa và tụ điện thì có gì đáng ghê gớm! Tuy nhiên vấn đề lại không đơn giản như vậy. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của thùng loa chính là giữ cố định các loa trong một kết cấu được tính toán trước. Không chỉ có thế, thùng loa còn có tác dụng quan trọng về mặt âm học. Yếu tố này quyết định thiết kế về hình dáng của từng loại loa, từng hãng loa khác nhau.

Loa.jpg

Loa B&W của Anh được làm từ gỗ nguyên khối.

Nếu như trước đây vật liệu để làm thùng loa là độc quyền của gỗ thì ngày nay, loa được làm bởi vô số vật liệu khác nhau từ kim loại, polime, composite tới sợi thuỷ tinh. Thế nhưng cho đến tận ngày hôm nay, gỗ vẫn chính là loại vật liệu hoàn hảo nhất để làm nên những thùng loa hảo hạng. Nhựa polime thường chỉ được sử dụng vào các chi tiết phụ cũng như để sản xuất các loại loa rẻ tiền như loa vi tính.

Phần lớn các thùng loa được làm từ bột ép hoặc các loại gỗ dán được xử lý đặc biệt chống cong, vênh, mối mọt. Gỗ nguyên thớ cũng được sử dụng nhưng rất hạn chế và chỉ có ở những loại loa rất đắt tiền. Đơn giản là bởi rất khó để có thể xử lý được gỗ nguyên khối và tạo hình theo thiết kế mà không ảnh hưởng đến sự đồng nhất về âm học.

loa-coi.jpg

Loa còi của Avantgarde.

Có 2 cách thiết kế loa thùng chính là có lỗ thông hơi và hộp kín. Loại có lỗ thông hơi (bass reflex) sẽ tạo nên tiếng bass sâu hơn. Ngoài 2 thiết kế phổ thông này ra thì còn một số ít hãng chế tạo loa kèn (horn) như Avantgarde với đặc trưng là độ nhạy rất cao. Kỹ thuật chế tạo thùng loa là bí quyết riêng của mỗi hãng và cùng với những bộ phận khác cấu thành loa, thùng loa làm nên âm sắc riêng của mỗi nhà sản xuất.

tloa.jpg

Bên trái là thùng loa kín, bên phải là thùng loa có lỗ thông hơi.

Chính vì tính cầu kỳ trong thiết kế và chế tạo thùng loa nên các hãng sản xuất thường khuyến cáo người nghe nhạc chú ý đến vị trí lắp đặt: không nên để loa ở những chỗ ẩm ướt, tránh xa các tổ côn trùng. Người nghe nhạc cũng tránh "tận dụng" mặt phẳng của đỉnh loa để xếp đồ hoặc các vật trang trí. Nếu muốn treo loa lên tường, bạn phải lắp đắt các giá đỡ, tuyệt đối tránh việc khoan các lỗ vào thùng loa để treo.


K.S. (theo Audio research)

http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/Loa/2004/12/3B9ACAC8/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

Tìm hiểu loa siêu trầm

Nếu bạn đang thưởng thức một bộ phim hành động hoặc một bản hoà tấu Paul Mauriat trên dàn home theatre mà không hiểu những tiếng trầm hùng tráng của dàn nhạc, tiếng đại bác rền vang xuất phát từ đâu thì xin thưa đó chính là "công lao" của chiếc subwoofer (loa siêu trầm) nhỏ nhắn.



tram1.jpg

Thành phần không thể thiếu trong dàn home theatre.

Loa siêu trầm là yếu tố không thể thiếu để hợp thành dàn home theatre (gọi nôm na là rạp hát tại gia). Nếu bạn nhìn vào những quảng cáo loa với ký hiệu 2.1. 5.1. 7.1... thì số 1 lẻ loi đó chính là ký hiệu của loa siêu trầm (subwoofer). Có tần số cực thấp từ 20 đến 200 Hz, đây là nơi xuất phát của những tiếng bass cực thấp. Có một loa siêu trầm trong dàn cũng có nghĩa là các loa khác có thể có kích thước nhỏ nhắn hơn vì không phải đảm nhiệm phần tiếng bass.

Không hề có một hình dạng thật sự lý tưởng đối với subwoofer. Tuỳ vào trí tưởng tượng của các nhà thiết kế cũng như mục đích thương mại của các hãng mà subwoofer có thể có nhiều hình dạng khác nhau. Hầu hết các loa siêu trầm đều có ampli công suất lắp sẵn ở trong để điều chỉnh tiếng bass. Những subwoofer rẻ tiền thì không có ampli lắp trong mà "mượn" của ampli chính của cả dàn loa. Chính vì vậy âm thanh sẽ không được như ý khi ta không thể điều chỉnh được tần số bass.

tram.jpg

3 dạng thiết kế của subwoofer.

Tuy xuất hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau nhưng về cơ bản subwoofer có 3 dạng thiết kế:

Liền hộp: Loa trầm được bố trí trong một hộp kín và chỉ có một đường tiếng ra ngoài.

Loa có lỗ: Nếu bạn để ý thì sẽ thấy phần lớn subwoofer có một lỗ ở phía dưới đường tiếng. Thiết kế này có tác dụng giúp loa chơi được các nốt thấp hơn và tạo ra cảm giác trầm lan toả.

Loa đẳng áp: cụm từ đầy vẻ "kỳ bí" này thực ra mô tả thiết kế 2 loa siêu trầm "đấu đầu" vào nhau trong một thùng loa. Các sóng âm va chạm vào nhau trong một khoảng không chật hẹp sẽ cho ra tiếng trầm cực mạnh.

Tiếng trầm lan truyền trong không gian không có định hướng, vì vậy bạn có thể bố trí loa subwoofer tại bất cứ vị trí nào trong phòng nghe.

K.S. (theo Aperionaudio)


http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/Loa/2004/11/3B9ACA9C/
 

vkc

Well-Known Member
Ðề: Bí quyết sắm rạp hát tại gia

ABC về loa

Loa là phần quan trọng trong một bộ dàn hi-fi, làm nhiệm vụ biến đổi tín hiệu điện thành chuyển động cơ học để tái tạo âm thanh. Một cặp loa hay là sản phẩm kết hợp những gì tinh tế nhất của các kỹ sư về điện tử, cơ khí và tay nghề thợ mộc của các nghệ nhân tài hoa.



l2.jpg

Loa là 1 tác phẩm nghệ thuật.

Có nhiều kiểu thiết kế thùng loa khác nhau như thùng kín, thùng có lỗ thông hơi, thùng loa có hệ thống đường dẫn âm... Mỗi thiết kế sẽ tạo ra một loại thùng loa mang âm hưởng đặc trưng. Nhìn chung, thùng loa kín thường có độ nhạy thấp hơn thùng loa có lỗ thông hơi hoặc thùng loa có đường dẫn âm. Loại thùng có lỗ (reflex) có khả năng tạo ra tiếng trầm nhiều hơn so với thùng kín nếu cùng vặn ở một mức volume như nhau.

Loa (driver) là bộ phận biến đổi dòng điện âm tần thành âm thanh và cũng là bộ phận chính quyết định âm thanh của cả thùng loa. Loại loa được dùng phổ biến nhất hiện nay là loa điện động (electrodynamic). Loa điện động hoạt động dựa trên nguyên tắc một cuộn dây đặt trong một từ trường mạnh của nam châm. Khi có dòng điện âm tần chạy qua, cuộn dây sẽ dao động. Do cuộn dây được nối với màng loa nên các dao động này được truyền ra không khí, tác động vào người nghe.

Bên cạnh loa điện động, còn có các loại loa với nguyên lý khác như loa mành (planar speakers). Gọi là loa mành vì âm thanh của nó phát ra là nhờ vào sự rung động của những tấm mỏng chứ không phải là màng loa nón thông thường. Loại thông dụng nhất trong dòng loa này là loa tĩnh điện (electrostatic), loại loa có màng mỏng bằng chất liệu Mylar nằm giữa 2 điện cực có một hiệu điện thế rất cao (tới vài nghìn vôn). Khi có điện áp âm tần đưa vào, màng loa dao động trong điện trường giữa 2 điện cực, những rung động này phát ra âm thanh.. Loa tĩnh điện khi nghe buộc phải được cấp điện từ nguồn. Loa tĩnh điện electrostatic chỉ hợp với tần số trung và cao.

Một vài loại loa người ta còn thiết kế thêm loa siêu trầm chạy điện (powered subwoofer), thường phát ra tần số thấp dưới 120 Hz và cũng thường có phần ampli công suất liền bên trong. Một tiện ích khác là loa chống nhiễm từ cho phép đặt loa gần tivi mà không bị nhiễm từ gây ố mầu trên màn hình.


l.jpg


Thực tế khó có thể tìm được 1 cặp loa tái tạo một cách hoàn chỉnh mọi thể loại âm nhạc, mà nếu có thì cũng rất đắt tiền. Do đó, bạn cần phải xác định được thể loại âm nhạc mà bạn ưa thích là gì để chọn loa cho đúng. Nếu bạn thích nghe các loại nhạc trẻ, pop, rock, các thể loại nhạc nhảy cần tiết tấu sôi động thì nên chọn các loại thùng có loa bass màng chất dẻo (dân chơi thường gọi là màng carbon), loa trung, loa treble màng kim loại như nhôm hoặc titan,... Thùng loa loại này sẽ cho tiếng trầm khô chắc, tiếng trung và treble trong trẻo rõ nét, rất hợp với các thể loại nhạc nói trên. Còn nếu các bạn yêu nhạc cổ điển, jazz, hoặc cần nghe giọng hát trung thực thì nên chọn loại loa bass màng giấy, trung và treble màng giấy hoặc lụa. Với các chất liệu này âm thanh sẽ trầm ấm, ngọt ngào hơn.

Chọn được loa hợp ampli là điều không dễ dàng. Để phối hợp được 2 thiết bị này cho đúng, bạn cần chú ý mỗi thùng loa đều có những thông số kỹ thuật ảnh hưởng tới việc ghép nối với ampli như: trở kháng, công suất, độ nhạy... Đây là những thông số cần chú ý và tuân thủ khi ghép loa.

Trở kháng loa: Các thùng loa hiện nay phần lớn có trở kháng là 4,6 hoặc 8 ohm. Bạn cần chú ý đầu ra của ampli có tương thích hay không. Phần lớn các ampli hiện nay đều cho phép đấu loa có trở kháng từ 4-16 ohm. Theo kinh nghiệm của dân chơi sành, loại loa 4 ohm thường được coi là "khó kéo" hơn loại 8 ohm.

Công suất cần thiết và độ nhạy của loa: độ nhạy của loa thường được đo bằng decibell (dB). Loa có độ nhạy khoảng 85-88 dB được coi là có độ nhạy thấp, 89-92 dB là trung bình, từ 93 trở lên là độ nhạy cao. Độ nhạy càng cao thì loa càng cần ít công suất, ampli yếu cũng chơi được, tức là loa không kén chọn ampli. Cụ thể là, loa 86 dB cần ampli có công suất tối thiểu 25 W, 88 dB cần tối thiểu 15 W, 90 dB cần có 9W... Đặc biệt có một số loại loa có độ nhạy rất cao (từ 96dB trở lên) chỉ cần ampli có công suất 2-4 W là đủ! Trở kháng loa, công suất cần thiết và độ nhạy thường được ghi ở tem phía sau loa.

Để đảm bảo loa phát ra âm nhạc tốt nhất thì không thể quên yếu tố dây nối loa có chất lượng. Loa phải được đặt đối xứng với nhau và có cùng khoảng cách tới chỗ người nghe. Vị trí tối ưu trong bố trí loa là ngang bằng tới tai người nghe.

(Theo Nghe Nhìn)


http://sohoa.vnexpress.net/SH/Am-thanh/Loa/2004/10/3B9ACA0C/
 
Bên trên